Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội
Được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, Văn Miếu Quốc Tử Giám là quần thể di tích về trường đại học đầu tiên của nước ta. Đây không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là nơi được rất nhiều sĩ tử, học trò tới đây để cầu may mắn trong thi cử, học hành.
Bài viết dưới đây cung cấp một số thông tin, hy vọng sẽ hữu ích cho chuyến tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội của bạn.
Giới thiệu về Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám ở đâu?
Văn Miếu nằm ở khu vực quận Đống Đa, Hà Nội, ngay giữa 4 phố chính gồm Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Văn Miếu và Quốc Tử Giám.
Cổng vào Văn Miếu Quốc Tử Giám là số 58 Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội
- Xem thêm: Du lịch Hà Nội – 12 địa điểm, 5 đặc sản phải trải nghiệm khi đến Thủ đô nghìn năm Văn hiến
Thời gian mở cửa của Văn Miếu Quốc Tử Giám
Giờ mở cửa Văn Miếu: tất cả các ngày trong tuần, từ Thứ Hai đến Chủ Nhật.
- Vào mùa nóng (từ ngày 15/4 đến 15/10): Từ 7h30 đến 17h30.
- Vào mùa lạnh (từ ngày 16/10 đến 14/4): Từ 8h00 đến 17h00.
Giá vé tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám
STT | Đối tượng | Giá vé |
1 | Người lớn | 30,000VNĐ/1 người |
2 | Người bị khuyết tật nặng Công dân Việt Nam nằm trong độ tuổi từ 60 trở lên Người dân ở các xã, huyện miền núi; vùng sâu, vùng xa Người có công với cách mạng Học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên | 15.000VNĐ/ 1 người |
3 | Người khuyết tật đặc biệt nặng Trẻ em dưới 15 tuổi | Miễn phí vé |
Sơ đồ tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám tiếng Anh là gì?
Văn Miếu Quốc tử giám có tên tiếng Anh là Temple Of Literature.
Lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám bên cạnh là trường đại học dành riêng cho con vua và các gia đình quý tộc. Đến thời vua Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám được đổi tên thành Quốc học viện và thu nhận cả con cái nhà thường dân có sức học xuất sắc.
Sang thời hậu Lê, đời vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ. Tới thời Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập Huế. Văn miếu Thăng Long được sửa sang lại chỉ còn là Văn Miếu của trấn Bắc Thành, sau đổi thành Văn Miếu Hà Nội.
Thuyết minh về Văn Miếu Quốc Tử Giám
Quần thể kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám nằm trong khuôn viên rộng 54331 m2 bao gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ khác nhau. Trải qua nhiều tu sửa, quần thể di tích này bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn, nhà Thái Học.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 12/5/2012. Khuê Văn Các tại Văn Miếu Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô theo Luật Thủ đô được, 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu.
Các khu tham quan ở Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu có tường bao quanh xây bằng gạch. Bên trong cũng có những bức tường ngăn ra làm 5 khu, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng qua lại nhau.
Khu thứ nhất – Cổng chính Văn Miếu
Cổng chính Văn Miếu Môn đi đến cổng Đại Trung Môn – xây kiểu Tam quan, trên có 3 chữ “Văn Miếu Môn” kiểu chữ Hán cổ xưa, hai bên có cửa nhỏ là Thành Đức Môn và Đạt Tài Môn.
Khu thứ hai – Khuê Văn các
Từ Đại Trung Môn vào đến Khuê Văn Các. Khuê Văn Các là công trình kiến trúc tuy không đồ sộ song tỷ lệ hài hòa và đẹp mắt. Kiến trúc gồm 4 trụ gạch vuông (85cm x 85cm) bên dưới đỡ tầng gác phía trên, có những kết cấu gỗ rất đẹp.
Tầng trên của Khuê Văn Các có 4 cửa hình tròn, hàng lan can con tiện và con sơn đỡ mái bằng gỗ đơn giản, mộc mạc. Mái ngói chồng hai lớp tạo thành công trình 8 mái, gờ mái và mặt mái phẳng.
Gác là một lầu vuông tám mái, bốn bên tường gác là cửa sổ tròn hình mặt trời tỏa tia sáng. Hai bên phải trái Khuê Văn các là Bi Văn Môn và Súc Văn Môn dẫn vào hai khu nhà bia Tiến sĩ.
Khu thứ ba – Khu nhà bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám
Gồm hồ nước Thiên Quang Tỉnh (nghĩa là giếng soi ánh mặt trời), có hình vuông. Hai bên hồ là khu nhà bia tiến sĩ. Mỗi tấm bia được làm bằng đá, khắc tên các vị thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Bia đặt trên lưng rùa đá. Hiện còn 82 tấm bia của các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779. Đó là những di vật quý nhất của khu di tích.
Khu thứ tư – Khu trung tâm
Là khu trung tâm và là kiến trúc chủ yếu của Văn Miếu, gồm hai công trình lớn bố cục song song và nối tiếp nhau. Tòa nhà ngoài là Bái đường, Tòa trong là Thượng cung. Đây là khu vực thờ Khổng Tử và Tứ Phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử).
Khu thứ năm – Nhà Thái Học
Đây là khu nhà Thái Học. Thời Nguyễn trường Quốc Tử Giám ở Hà Nội bị bãi bỏ, nhà thái học bị đổi làm nhà Khải thánh, thờ thân phụ, thân mẫu của Khổng Tử. Tuy nhiên khu nhà này đã bị phá hủy trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Khu nhà Thái Học mới được thành phố Hà Nội xây dựng lại năm 1999. Trong khu thứ năm này còn có nhà Tiền đường – Hậu Đường, là nơi thờ các vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An.
Ý nghĩa lịch sử của Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là trường đại học đầu tiên của nước ta mà còn như một địa điểm lưu giữ truyền thống hiếu học của người Việt. Đến Văn Miếu, bạn như được tiếp thêm động lực từ những bảng vàng của ông cha, vững tin trong hành trình nỗ lực học tập và khám phá tri thức nhân loại.
Bên cạnh đó, ngày nay Văn Miếu Quốc Tử Giám còn là nơi tổ chức hội thơ, là nơi khen tặng những học sinh ưu tú, xuất sắc và là địa điểm tham quan nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế khi đến với Hà Nội.
Đồng thời, đây cũng là điểm hẹn “xin chữ” của người dân Thủ đô Hà Nội trong những ngày Tết truyền thống với ước mong năm mới an lành; hoặc trong những mùa thi quan trọng của đất nước với niềm tin đỗ đạt của các “sĩ tử”.
Xem thêm:
- Kinh nghiệm khám phá Quảng trường Ba Đình
- Kinh nghiệm du lịch làng cổ đường Lâm
- Kinh nghiệm khám phá Cột cờ Hà Nội
- Kinh nghiệm khám phá phố cổ Hà Nội
- Kinh nghiệm khám phá Hồ Hoàn Kiếm
- Kinh nghiệm khám phá chùa Một Cột
- Kinh nghiệm khám phá Nhà thờ lớn Hà Nội
- Kinh nghiệm khám phá Royal City và Times City
- Kinh nghiệm du lịch Ba Vì Hà Nội
- Kinh nghiệm đi chùa Hương Hà Nội
- Kinh nghiệm khám phá Hoàng Thành Thăng Long
- Kinh nghiệm khám phá chợ Đồng Xuân
__
Du khách có thể tham khảo thêm các thông tin tại:
Website chính thức của Di sản Tràng An: https://disantrangan.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/disantrangan.vn
Chia sẻ những bức hình đã chụp tại: https://www.facebook.com/groups/checkintrangan