Hà Nội – Thủ đô nghìn năm Văn Hiến, trái tim của cả nước, không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh gắn liền cùng các câu chuyện lịch sử có giá trị truyền thống lâu đời, mà mảnh đất Kinh kỳ còn là nơi hội tụ tinh hoa ẩm thực của cả vùng Bắc Bộ. Nếu bạn đang có ý định du lịch, hãy cùng khám phá những đặc sản Hà Nội nhất định phải thử và mua về làm quà.
- Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội
- Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Ba Vì
- Xem thêm: Kinh nghiệm khám phá Hoàng thành Thăng Long
- Xem thêm: Kinh nghiệm đi chùa Hương
- Xem thêm: Dự báo thời tiết Hà Nội dành cho du lịch, tự động cập nhật
Đặc sản Hà Nội – Cốm làng Vòng
“Hà Nội mùa thu, hoa sữa phơi hương, xanh màu cốm mới…”. Cốm không chỉ là món ăn tinh hoa của đất trời Hà thành mà có thể nói, đặc sản này chính là biểu tượng của ẩm thực Hà Nội. Cốm là của riêng Hà Nội, là một món ăn vặt vô cùng “độc đáo” được lưu truyền từ bao đời nay. Trong đó, cốm làng Vòng là biểu tượng cho hương vị Hà Nội xưa, chân chất và thanh cao.
Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì
Tương bần, húng Láng còn gì ngon hơn
Mỗi một hạt cốm dẻo lại mang trong mình hương sữa non thanh mát, và thơm phức đến mức, nếu dạo bước đi qua một gánh cốm rong là sẽ thấy phảng phất cái mùi nhẹ nhàng, thanh tao, nho nhã của Cốm. Nhớ về cốm là nhớ về màu xanh mướt của hạt cốm, được gói ghém trong tấm lá sen thơm phức, được buộc bằng sợi rơm nếp thành hình vuông hoàn chỉnh. Thế mới nói, cầm gói Cốm trên tay như gói gọn tinh hoa đất trời Hà thành.
Cốm không nên để lâu – thời tiết ẩm ướt thì cốm dễ mốc, trời hanh thì cốm khô cứng, mất đi cái dẻo dai. Nếu cốm đầu vụ có hương sữa lúa rõ rệt, thì cốm cuối vụ cho hạt mẩy hơn, mình dày và bùi hơn vì lúa đã chín được đôi phần. Cốm có thể ăn kèm với chuối hay chế biến với một số thực phẩm khác như: chè bưởi, chả cốm, thạch cốm, xôi cốm đậu xanh dừa…
Cốm là đặc sản Hà Nội làm quà số một được các du khách các tình thành lân cận lựa chọn tặng bạn bè, người thân sau chuyến du lịch.
Đặc sản Hà Nội – Phở
Phở giờ đây không chỉ còn là nét văn hóa ẩm thực của Thủ đô Hà Nội và còn là biểu tượng ẩm thực của quốc gia được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Rất nhiều bài viết của nước ngoài ca ngợi sự độc đáo của đặc sản Hà Nội này, cũng có rất nhiều các quán phở nước ngoài mọc lên để phục vụ bà con Việt Kiều và người lao động xa xứ.
Phở cũng có nhiều vị, dựa vào cách pha chế nước lèo gai truyền và đồ dùng đã tạo nên những thương hiệu nổi tiếng riêng ở đất Hà thành như: phở Bát Đàn, phở Thìn, phở Lý Quốc Sư…
Dù vậy, một bát phở chuẩn Hà Nội sẽ bao gồm: nước lèo bí truyền, bánh phở dẻo, hành trần chín tới, thịt bò tái, gầu, trứng trần, một chút cay của ớt và chua của chanh. Ngoài ra, có thể ăn kèm rau thơn, ngờ gai, giá và quẩy…
Đặc sản Hà Nội – Các loại Bún
Bún chả
Bún chả Hà Nội trở nên nổi tiếng thế giới hơn từ khi Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam năm 2016 và thưởng thức món ăn này trên phố Lê Văn Hưu, Hà Nội. Gần như khắp con phố ở Hà Nội, đâu đâu cũng có thể bắt gặp một quán bún chả. Từ đó có thể thấy, bún chả là món ăn rất được ưa chuộng ở Thủ đô.
Thịt trong bún chả là thịt lợn nạc vai được băm nhỏ, tẩm ướp gia vị đầy đủ, vo thành viên và nướng trên than hoa… gọi là chả. Sau đó, chả được cho vào bát nước mắm chua ngọt. Một suất bún chả sẽ có thêm đồ chua ăn kèm như đu đủ, xu hào cà rốt, và rau sống riêng. Tất nhiên không thể thiếu tỏi băm, ớt miếng, hạt tiêu và dấm để ngoài để phục vụ khẩu vị riêng của từng thực khách.
Bún thang
Bún thang – đặc sản Hà Nội này được chế biến vô cùng cầu kỳ nhưng cũng vô cùng tinh tế khi sử dụng đến 20 nguyên liệu. Có thể điểm tên một số nguyên liệu để làm nên 1 bát bún thang: xương hầm, thịt gà, trứng tráng, giò lụa, nấm, hành, rau răm… ăn kèm với mắm tôm, giấm, tỏi, ớt và hạt tiêu xay…
Bún đậu mắm tôm
Bún đậu mắm tôm cũng là đặc sản Hà Nội rất phổ biến, bạn có thể bắt gặp từ quán ăn vỉa hè cho đến những nhà hàng sang trọng hơn. Mỗi suất bún đậu sẽ gồm có: đậu gián vàng giòn, nem rán, dồi chiên, thịt chân giò, lòng lợn,… và nhất là chả cốm, kèm với mắm tôm hoặc nước mắm và rau sống. Bún đậu thường được bán theo mẹt, lót lá chuối trông vô cùng dân giã mà hấp dẫn.
Đặc sản Hà Nội – Cháo sườn
Khi du lịch Hà Nội, nhất vào buổi sáng sớm, bạn có thể bát gặp những xe hàng rong bán cháo sườn len lỏi trong những con ngõ. Đây là đặc sản Hà Nội vô cùng dân giã, giản dị vì được làm từ gạo, nấu cùng với sườn. Gia vị ăn kèm là ớt bột và hạt tiêu.
Cháo sườn ngon hơn nếu ăn cùng quẩy, ruốc heo, ruốc cá, thịt nạc dăm rim nước mắm hoặc lươn kho nghệ, kèm chút hành phi. Món cháo sườn có lẽ gắn với tuổi thơ của rất nhiều người Hà Nội, đặc biệt là thời học sinh, sinh viên vì ngoài cổng trường nào cũng sẽ có một quán cháo sườn ngon bổ rẻ.
Đặc sản Hà Nội – Chả Rươi
Đặc sản chả Rươi được chế biến từ những con Rươi to, khỏe, màu xanh đặc trưng cùng các nguyên liệu trứng vịt, trứng gà, thịt ba chỉ, hành hoa, lá lốt, lá gừng, nước mắm và bột ngọt, vỏ quýt để tạo nên món chả Rươi có vị ngọt tự nhiên và béo. Chả Rươi thường được ăn kèm với bún tươi, rau sống và chấm với nước mắm chua cay.
Đặc sản Hà Nội – Chả cá
Chả cá cũng là món ăn lâu đời của Hà Nội với nhiều cái tên truyền thống như chả cá Lã Vọng, chả cá Lão Ngư hay chả cá Anh Vũ. Đặc sản Chả cá Hà Nội được làm chủ yếu từ cá lăng và cá quả. Cá đươc thái miếng vừa ăn, tẩm ướp gia vị nghệ, nước cốt riềng, mẻ, hạt tiêu; sau đó nướng sơ trên củi than và rán lại trong chảo.
Thịt chả cá có vị hơi béo, chắc, dai, khi được xào trên chảo, cùng với thì là tạo ra mùi thơm phức. Chả cá thường được ăn kèm với bún, rau thơm.
Đặc sản Hà Nội – Giò chả Ước Lễ
Làng Ước Lễ ở Hà Nội nổi tiếng gần xa với món đặc sản giò chả. Món ăn đặc sản Hà Nôi này được làm từ thịt của giống lợn ỉn loại nhỏ. Thịt được giã rất nhanh bằng chày nặng. Sau đó được nêm gia vị theo công thức bí truyền của làng Ước Lễ. Giò chả được gói bằng lá chuối đã nhúng nước sôi và luộc trong gần một giờ. Chả Ước Lễ ăn kèm cơm trắng hoặc xôi là những sự kết hợp hoàn hảo.
Đặc sản Hà Nội – Các loại bánh
Bánh tôm Hồ Tây
Bánh tôm cũng là món ăn đặc sắc của đất Hà Thành. Du khách có thể dễ dàng bắt gặp món ăn đặc sản Hà Nội này trên nhiều con phố nhưng nổi tiếng nhất là trên các phố gần Hồ Tây. Bánh tôm được chiên vàng, giòn, nhân bên trong là tôm tươi – thịt rất chắci. Bánh tôm ăn kèm với rau sống và nước mắm chua ngọt.
Bánh cuốn Thanh Trì
Bánh cuốn Thanh Trì là đặc sản lâu đời của Hà Nội đã góp phần tạo nên nét đặc sắc cho nền ẩm thực Thủ đô. Bánh cuốn có lớp bánh mỏng làm từ gạo tẻ ngon. Phần nhân là thịt heo băm và nấm tai mèo được tẩm ướp và xào xơ. Thành phẩm cuối cùng được thoa thêm một chút mỡ phía bên ngoài và rắc hành phì vàng ươm bên trên. Bánh cuốn Thanh Trì ăn kèm với chả Ước Lễ, rau húng thơm làng Láng, chấm với nước mắm cà cuống là chuẩn vị đặc sản Hà Nội.
Bánh khúc Hoàng Mai
Bánh khúc Hoàng Mai là món ăn kết hợp của gạo nếp trộn cùng rau khúc xay nhỏ làm vỏ bên ngoài, đậu xanh, thịt mỡ heo và tiêu làm nhân bên trong. Ăn miếng bánh khúc giản dị, bạn sẽ cảm nhận tinh thần ẩm thực miền Bắc: Có ngọt, bùi, ngậy, cay.
Bánh chả
Bánh chả là một trong những món ăn truyền thống có từ rất lâu đời của người Hà Nội. Những chiếc bánh nhỏ xinh, được làm hoàn toàn từ nguyên liệu truyền thống như mỡ phần, đường kính, bột mì, bột nếp, lá chanh, đường kính và muối,…Bánh chả thành phẩm có màu vàng ươm, khi ăn sẽ có đôi chút cảm nhận như bánh trung thu thập cẩm, chỉ có điều là không lạp xưởng.
Bánh Chè Lam – Đặc sản Hà Nội làm quà
Miếng bánh chè lam có màu nâu nhẹ, thêm một lớp bột trắng được phủ bên ngoài. Thưởng thức chè lam với nước chè trên những con phố sẽ cảm nhận được sự dẻo thơm của bột nếp, hòa với vị cay the của gừng, vị dịu ngọt của mật mía, mạnh nha, một chút vị mặn của muối và bùi ngậy của lạc rang, đậu phộng. Bánh chè lam là đặc sản Hà Nội làm quà rất được ưa chuộng
Bánh Gai – Đặc sản Hà Nội làm quà
Bánh gai làng Giá là món bánh màu đen, có dừa tươi và vừng, bên trong bánh gai là nhân đỗ xanh vô cùng thơm ngon. Đỗ dùng để làm bánh gai phải là loại đỗ chè, hạt nhỏ, vỏ già hơi mốc mốc. Gạo sử dụng phải là loại gạo nếp cái hoa vàng thơm nức mũi. Bánh Gai là đặc sản Hà Nội làm quà rất được ưa thích.
Bánh dày
Bánh dày là thức bánh truyền thống Hà Nội, gắn liền với đất và người Thăng Long Đông Đô đến cả ngàn năm, xuất hiện từ trong truyện cổ tích Bánh chưng, bánh dày.
Gạo làm bánh chuẩn vị phải là gạo nếp Hải Hậu, hạt to tròn, óng thì vỏ bánh làm ra mới dẻo. Bánh có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Hoặc chỉ là bánh gạo trắng ăn kèm với chả, giò. Đây là loại bánh đặc sản phải có trong những ngày lễ lớn của Việt Nam như: Tết, Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ làng…
Bánh phu thê Hàng Than – Đặc sản Hà Nội làm quà
Bánh phu thê hay còn gọi là bánh xu xuê là món ăn đặc sản Hà Nội. Bánh có nhiều màu sắc khác nhau như: xanh, đỏ, cam, vàng… Bánh phu thê mang ý nghĩa về một lời chúc may mắn và hạnh phúc nên trước kia chỉ sử dụng trong các ngày lễ Tết, đám cưới, đám hỏi. Nhưng giờ đây đã trở thành món ăn phổ biến khắp phố phường Hà thành, nổi tiếng nhất và xuất hiện đầu tiên tại phố Hàng Than.
Bánh Gio
Bánh gio – đặc sản Hà Nội còn được gọi với tên gọi là bánh tro, bánh ú tro hay bánh nẳng. Đây là một loại bánh truyền thống Hà Thành, được làm từ gạo nếp ngâm qua nước tro. Bánh gio truyền thống là loại bánh không nhân, ăn kèm với mật ong, mật đường hay đường cát. Tuy nhiên ngày nay, bánh gio thường được làm với nhân đậu xanh hoặc dừa nạo để dễ ăn hơn.
Đặc sản Hà Nội – Kem Tràng Tiền
Kem Tràng Tiền là món ăn vặt truyền thống và rất lâu đời của Hà Nội, có từ 1958. Dù kem không cầu kỳ hình thức như kem hiện đại ngày nay nhưng cầm que kem Tràng Tiền trên tay và dạo phố Hà Nội khiến nhiều người bồi hồi nhớ lại tuổi thơ được bố mẹ đèo trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng lên bờ Hồ ăn kem Tràng Tiền, là tuổi học trò cùng bạn bè giải khát bằng kem khi mùa hè đến. Chính vì thế, người ăn kem Tràng Tiền không chỉ là thưởng thức một món ăn mà còn là thưởng thức dư vị của Hà Nội xưa.
Đặc sản Hà Nội làm quà
Các loại ô mai
Hội tụ đầy đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt, Ô mai chính là một trong những tinh hoa của ẩm thực Hà Thành. Các loại ô mai khá đa dạng, hương vị ngon, phong phú chủng loại, giá cả phải chăng được khách du lịch rất ưa chuộng.
Du khách có thể dừng chân tại phố Hàng Đường – “kinh đô” ô mai Hà Nội để nếm thử tất cả các loại ô mai trước khi mua về làm quà.
Trà sen Hồ Tây
Trà sen Hồ Tây được chế biến rất cầu kì: Sen dùng ướp trà là sen Bách Diệp với nhiều cánh, màu hồng nhạt, chúm chím nụ. Những bông hoa sen phải được hái từ sáng sớm, khi còn hơi sương để đảm bảo độ tươi và giữ được hương vị của sen. Gạo sen được tách rất công phu và khéo léo: 100g gạo sen sẽ cần khoảng 1000 bông hoa.
Để ra được trà thành phẩm với hương vị tinh túy nhất cần qua 7 lần ủ gạo sen và sấy. Và chỉ có những truyền nhân ở vùng Quảng An, Tây Hồ mới nắm giữ được bí quyết này. Trà sen đạt chất lượng thì nước trà phải xanh, uống ban đầu có vị chát, sau vị ngọt đượm và hương sen thơm dịu
Sấu
Sấu là món ăn khá thân thuộc với người dân Thủ đô, từ sấu ta có thể chế biến được nhiều món ăn hay nước giải khát ngon tuyệt. Với mỗi du khách đến với Hà Nội, đặc biệt là du khách miền Nam, ai cũng phải mua cho mình một túi sấu để về làm quà.
Gốm sứ Bát Tràng
Làng gốm Bát Tràng là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời của Kinh đô xưa. Đến đây du khách không chỉ được mua đồ lưu niệm, mà còn được tự tay học và làm những sản phẩm từ gốm theo phong cách của riêng mình. Đây cũng là trải nghiệm rất thú vị và ý nghĩa.
Lụa Hà Đông
Làng lụa Vạn Phúc nằm cách trung tâm Hà Nội 10km nổi tiếng với nghê dệt lụa. Lụa ở đây có đặc tính mềm, mỏng, thoáng mát và nhẹ khác với các loại lụa thông thường, chất liệu đa dạng. Những kiểu dáng mang đậm bản sắc dân tộc cũng được các nghệ nhân trong làng lựa chọn để thu hút khách nước ngoài.
Bưởi Diễn
Là loại quả khi xưa được chọn để tiến vua, bưởi Diễn không chỉ hấp dẫn bởi lớp vỏ mỏng tang, vàng ươm khi chín mà những tép bưởi bên trong cũng thật mọng nước và ngọt thanh.
__
Du khách có thể tham khảo thêm các thông tin tại:
Website chính thức của Di sản Tràng An: https://disantrangan.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/disantrangan.vn
Chia sẻ những bức hình đã chụp tại: https://www.facebook.com/groups/checkintrangan