Đặt tour, đặt phòng, mua vé máy bay, show diễn, sim quốc tế, homestay

Khám phá nhà tù Phú Quốc: “Địa ngục trần gian” 1 thời giữa biển khơi

Nhà tù Phú Quốc

Là di tích lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhà tù Phú Quốc không chỉ là nơi minh chứng cho cuộc đấu tranh đầy gian khổ mà còn thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc, của các chiến sĩ Cách Mạng của ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Nơi đây được coi là “địa ngục trần gian” bên cạnh nhà tù Hỏa Lò và nhà tù Côn Đảo.

Bài viết dưới đây cung cấp một số thông tin, hy vọng sẽ hữu ích cho bạn trong chuyến tham quan, khám phá đảo ngọc Phú Quốc cũng như nhà tù Phú Quốc một cách trọn vẹn nhất.

Nhà tù Phú Quốc
Nhà tù Phú Quốc

Nhà tù Phú Quốc ở đâu?

Nhà tù Phú Quốc còn được biết đến với cái tên “Nhà lao cây dừa” ở Số 350 Nguyễn Văn Cừ, thuộc xã An Thới, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang; nằm trên tỉnh lộ 46, cách trung tâm thị trấn Dương Đông 28km về phía Nam và cách Khu du lịch Bãi Khem 2km.

Thời gian mở cửa nhà tù Phú Quốc

Nhà tù Phú Quốc mở cửa: 8h – 11h30 sáng và 13h30 – 17h chiều và miễn phí giá vé tham quan các ngày trong tuần. Tuy nhiên đoàn đi nên tip cho thuyết minh viên khoảng 100.000-200.000đ tùy vào số lượng khách.

Lịch sử nhà tù Phú Quốc

Nhà tù Phú Quốc được xây dựng từ năm 1953 và tồn tại đến khoảng năm 1973. Với diện tích 400ha, chia thành các khu và phân khu. Giai đoạn cao điểm, nơi đây giam giữ tới 40.000 tù binh.

Nhà tù Phú Quốc có tất cả 12 khu được đánh số từ 1 đến 12. Do 3 tiểu đoàn quân cảnh (7, 8, 12) canh giữ. Riêng khu 13, 14 được xây dựng thêm vào cuối năm 1972. Mỗi khu trại giam có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân.

Mỗi khu trại giam được chia làm nhiều phân khu, mỗi phân khu chứa được 950 tù binh. Riêng phân khu B2 dành riêng để giam giữ các sĩ quan. Trại được bao bọc bởi gần 10 lớp kẽm gai chằng chịt, xung quanh mỗi phân khu là 4 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động, hoàn toàn tách biệt với bên ngoài. Khoảng 4.000 chiến sĩ cách mạng kiên trung đã bị giết hại tại đây.

Lịch sử nhà tù Phú Quốc
Nhà tù Phú Quốc

Những hình thức tra tấn man rợn tại nhà tù Phú Quốc

Đến thăm nhà tù Phú Quốc, bạn sẽ được chứng kiến tận mắt tội ác dã man của kẻ địch và nỗi đau đớn tột cùng của các chiến sĩ Cách Mạng được xây dựng lại qua các mô hình đặt trong nhà tù.

Chuồng cọp kẽm gai

Loại chuồng cọp làm toàn bằng dây kẽm gai, được đan chằng chịt xung quanh và trên nóc. Chuồng cọp này đặt ở ngoài trời trong phân khu. Mỗi phân khu có đến hai, ba chuồng cọp – loại nhốt 1 người và loại nhốt 3-5 người.

Ăn cơm nhạt

Mỗi ngày địch phát cho tù binh một ca nước, hai nắm cơm nhỏ. Trước mỗi bữa ăn, địch đánh tù binh mỗi người 5-10 gậy với lý do để máu lưu thông. Tù nhân không được ăn muối, sau hai tháng mắt sẽ bị mờ, sau 5-6 tháng liền có người bị mù hẳn.

Lộn vỉ sắt

Các tấm vỉ sắt loại có lỗ tròn và đầy mấu để mắc vào nhau và lật ngửa làm “đường băng sân bay” rồi bắt tù binh cởi áo, cởi quần ngoài, chỉ còn chiếc quần đùi. người tù bị bắt cắm đầu xuống vỉ sắt lộn ra sau, sau vài lần là lưng người tù tóe máu, đầu bị bứt tóc, tróc da tơi tả.

Gõ thùng

Lấy thùng phuy úp lên tù nhân đang ngồi xổm, rồi gõ vào thùng. Tù nhân sẽ bị đau đầu, sẽ bị điếc vì tiếng gõ mạnh và sức ép không khí.

Đục răng và bẻ răng

Kê đục vào sát chân răng của người tù, dùng búa đóng làm răng gãy văng ra. Bên cạnh đó, còn rất nhiều hình thức tra tấn dã man khác như trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống…

Nhà tù Phú Quốc
Ảnh: Internet

4 điều lầm tưởng về nhà tù Phú Quốc

Nhà tù Phú Quốc không phải nhà tù Côn Đảo

Có lẽ bởi đặc điểm của nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc cũng tương tự nhau (là nơi giam giữ tù nhân và nằm trên đảo) cho nên nhiều khách du lịch Phú Quốc lại nhầm nhà tù Phú Quốc là nhà tù Côn Đảo. Có nhiều khách đặt tour du lịch Phú Quốc cũng yêu cầu đi nhà tù Côn Đảo.

Nhà tù Phú Quốc là di tích lịch sử, đã ngưng hoạt động, không phải nhà giam

Với một số du khách chưa tìm hiểu nhiều về du lịch Phú Quốc thì lại tưởng rằng nhà tù Phú Quốc hiện nay là một trại giam giữ những người vi phạm pháp luật trên đảo. Thực tế, nhà tù Phú Quốc hiện tại là chứng tích lịch sử, vừa là nơi tham quan, tìm hiểu lịch sử, cũng là nơi giáo dục cho các thế hệ sau về sự yêu nước của thế hệ cha ông, của những chiến sĩ Cách Mạng, không ngại gian khổ, dám đứng dậy đấu tranh vì độc lập dân tộc đã bị bắt và giam giữ tại đây.

Di tích nhà tù Phú Quốc hiện nay không phải là nguyên bản mà được phục dựng

Khuôn viên của khu di tích Nhà lao Cây dừa không rộng lắm, nhưng có thể nói nơi đây đã tái hiện lại chân thực nhất những minh chứng hào hùng của những chiến sĩ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Khu vực trưng bày trong nhà, ngoài trời các hiện vật nguyên gốc vẫn còn được lưu giữ và vị trí của chúng cũng gần như không thay đổi, giúp khách cảm nhận và hình dung một cách chân thực nhất về những màn tra tấn man rợn tại nhà tù Phú Quốc.

Nhà tù Phú Quốc chỉ giam giữ, không có chôn người tù

Nhiều khách tham quan di tích nhà tù Phú Quốc thường nghĩ nhà tù có những hố chôn người tập thể nhưng thực tế là những người chết trong nhà tù đều được đưa qua nghĩa trang gần đó.

Xem thêm:

— 

Du khách có thể tham khảo thêm các thông tin tại:

Website: https://disantrangan.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/disantrangan.vn

Chia sẻ những bức hình đã chụp tại: https://www.facebook.com/groups/checkintrangan