Du lịch Hải Dương
Là một tỉnh nằm ngay gần Hà Nội, Hải Dương nổi tiếng với bề dày lịch sử, văn hóa từ thời xa xưa với những công trình kiến trúc, những nét văn hóa đậm đà bản sắc. Bạn đã đi du lịch Hải Dương bao giờ chưa? Nếu chưa hãy cùng chúng mình tìm hiểu về Hải Dương ngay bây giờ nhé!
Hải Dương ở đâu?
Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long. Hướng Đông cũng là hướng mặt trời mọc. Vì vậy Hải Dương có nghĩa là “ánh mặt trời biển Đông” hay “ánh sáng từ miền duyên hải (phía đông) chiếu về. Hải Dương thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hải Dương (hiện là đô thị loại I), cách thủ đô Hà Nội 57 km về phía đông, cách thành phố Hải Phòng 45 km về phía tây.
Du lịch Hải Dương – “Hồn xưa” của vùng đất sông Kinh Thầy
Hải Dương nổi tiếng là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam. Đến với Hải Dương, du khách không chỉ được tìm về cội nguồn của dân tộc, mà còn có thể am hiểu hơn về lịch sử nước nhà.
Cảnh sắc nơi đây tuy không quá hoa lệ nhưng lại khiến lòng người cảm thấy an yên đến lạ kỳ. Đến với Hải Dương du khách có thể tổ chức lễ dâng hương để tri ân và tưởng nhớ các bậc hiền tài.
Những người khai quốc công thần, kinh bang tế thế. Từ đó, góp phần giáo dục thế hệ sau truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Bồi đắp tình yêu quê hương đất nước và khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Du lịch Hải Dương mùa nào đẹp nhất?
Thời tiết Hải Dương mang đậm nét đặc trưng của khí hậu Miền Bắc với 4 mùa xuân – hạ – thu – đông. Mỗi mùa Hải Dương lại có những nét đẹp riêng, đặc trưng riêng để chúng ta có thể khám phá.
Theo kinh nghiệm của một số bạn trẻ chia sẻ thì thời điểm lý tưởng nhất là du lịch Hải Dương vào mùa thu. Đây là lúc thời tiết dễ chịu nhất, nắng nhẹ, trời ấm áp. Chuẩn bị thêm 1 tấm bản đồ Hải Dương để thuận tiện khi di chuyển nhé.
Thời tiết Hải Dương 10 ngày tới
Lưu ý: Trước chuyến hành trình đừng quên xem trước dự báo thời tiết Hải Dương 10 ngày tới, hôm nay và ngày mai để có những chuẩn bị cho chuyến đi của mình nhé.
Tới Hải Dương Di chuyển bằng phương tiện gì?
Đi bằng xe khách
Bạn có thể đi các chuyến xe đi Hải Dương ở bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát Hà Nội với mức giá chỉ 50k đến 100k.
Đi bằng tàu hỏa hoặc máy bay
Đối với những du khách ở xa như khu vực miền Trung hoặc miền Nam nếu muốn đến du lịch Hải Dương thì có thể đi bằng tàu hỏa hoặc máy bay. Đi bằng máy bay thì bạn có thể đến sân bay Nội Bài hoặc sân bay Cát Bi Hải Phòng để bắt xe bus hoặc xe khách đến Hải Dương.
Đi bằng phương tiện cá nhân
Nếu như bạn ở khu vực miền Bắc thì bạn có thể tự đi xe máy hoặc ô tô. Bạn có thể đi taxi Hải Dương vì khoảng cách từ Hà Nội đi Hải Dương chỉ giao động trong khoảng 60km tùy địa điểm
Các điểm du lịch ở Hải Dương
Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc
“Côn Sơn – Kiếp Bạc
Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.”
Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là khu quần thể di tích được xếp vào 1 trong 15 khu di tích lịch sử, nghệ thuật của cả nước. Côn Sơn- Kiếp Bạc đúng như cái tên gọi “phong trần” của mình. Nơi đây còn có non nước hữu tình, thu hút rất du khách thập phương đến đây.
Du khách có thể tới tham quan chùa Côn Sơn – “Thiền Tự Phúc Tự” được tôn tạo lại năm 1995 tọa lạc ngay dưới chân núi Côn Sơn. Ngôi chùa này có bức tượng Phật cao 3m, cây Đại hơn 600 tuổi cùng với 4 ngôi nhà bia. Ngoài ra không gian cảnh vật yên tĩnh, trầm lắng khiến tâm hồn bạn được thảnh thơi thư thái tìm đến chốn an nhiên.
Kinh nghiệm đi Côn Sơn Kiếp Bạc
Du lịch Hải Dương – Chùa Côn Sơn
Chùa Côn Sơn nằm ở xã Cộng Hòa giữa hai ngọn núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân cách Hà Nội chừng hơn 70km. Đây là một trong 3 ngôi chùa trung tâm của phái Thiền Viện Trúc Lâm thời nhà Trần và đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Chùa Côn Sơn hay còn có tên gọi khác là Thiên Tư Phúc tự, được xây dựng từ thế kỷ thứ XIV, trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính vốn có.
Chùa hiện nay gồm: Hồ bán nguyệt, Tam quan, sân trước, tiền đường (5 gian, 2 trái), thiêu hương (3 gian), thượng điện (3 gian), nhà Tổ, điện Mẫu, vườn tháp, nhà bia, cùng một số hạng mục phụ trợ khác…
Thanh Hư động: Nằm ở phía Tây núi Côn Sơn, Thanh Hư Động là một điểm tham quan nổi tiếng ở cụm di tích Côn Sơn Kiếp Bạc với các công trình gắn liền với một số danh nhân, hiền sĩ ở thời Trần Lê.
Đền thờ Nguyễn Trãi: Khu đền thờ Nguyễn Trãi ở đây là một trong những khu đền thờ lớn nhất trong cả nước với 15 hạng mục và đền chính rộng 200m2, mặt bằng kiến trúc dạng chữ Công.
Đền thờ Trần Nguyên Đán: Đền được xây dựng với lối kiến trúc chữ Đinh gồm 2 tầng và 8 mái. Cạnh đền là cụm dấu tích nhà cũ của quan Đại Tư được bảo tồn nguyên trạng tới ngày nay.
Núi Ngũ Nhạc: Núi Ngũ Nhạc có chiều dài 4km gồm 5 đỉnh với chiều cao đỉnh cao nhất là 238m nằm về phía Đông Bắc của dãy Côn Sơn.
Bàn cờ tiên: Bàn Cờ Tiên một trong những điểm tham quan trọng yếu nhất của Côn Sơn Kiếp Bạc. Tương truyền rằng từ thời Trần, Pháp Loa Tôn giả – tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm đã lập ra bàn cờ ở vị trí đỉnh núi. Hiện nay khu vực này được tôn tạo và xây dựng thêm nhà bia.
Đăng Minh bảo tháp: Đăng Minh Bảo Tháp ngày nay được xây dựng trên nền móng tháp cũ với độ rộng 8,40m, dài 7,78m, gồm 3 tầng, cao khoảng 6m được tạo ra bởi các khối đá hình chữ nhật.
Hồ Côn Sơn: Hồ có diện tích 43 ha được bao quanh bởi các lối đi dạo và cây cảnh rợp bóng.
Suối Côn Sơn: Suối có nguồn gốc bắt đầu từ núi Côn Sơn và Ngũ Nhạc với chiều dài khoảng 3km trước khi đổ vào hồ Côn Sơn.
Du lịch Hải Dương – Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp là nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đền nằm gần sông Lục Đầu là nơi hội tụ của 6 con sông là: Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình. Kiếp Bạc cách Côn Sơn 5km và cách Hà Nội khoảng 80km.
Đền Kiếp Bạc: Đền Kiếp Bạc là nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, được xây dựng ở trung tâm của thung lũng Kiếp Bạc trên khuôn viên rộng tới 13.5km2. Đền quay về hướng Tây Nam, nhìn ra sông Lục Đầu với các công trình hạng mục kiến trúc gồm: Đường thần đạo, trạm hạ mã, sân đền, tả hữu canh gác…
Sinh Từ: Để ghi nhớ công lao của Hưng Đạo Vương nên vua Trần đã cho xây dựng đền thờ ông ngay cả khi ông còn sống nên được gọi là Sinh Từ. Nhưng ngôi đền này giờ chỉ còn lại phế tích.
Hang Tiền: Hang Tiền nằm dưới chân núi Bắc Đẩu cách Kiếp Bạc chừng 500m về phía Bắc đây trước kia là nơi cất dấu ngân khố của phủ đệ Trần Hưng Đạo phục vụ cho kháng chiến.
Núi Trán Rồng: Núi nằm ở phía sau đền Kiếp Bạc ở đây trên sườn núi có nhiều di tích, di chỉ khảo cổ thời Trần.
Khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc là trung tâm văn hóa tôn giáo lớn ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ với hơn 700 năm lịch sử. Hàng năm ở đây có lễ hội Côn Sơn bắt đầu từ rằm tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Giêng và lễ hội Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 16 tháng 8 và kết thúc vào ngày 20 tháng 8 (Âm lịch). Với những giá trị truyền thống mà nơi đây mang lại thì vào ngày 10/5/2012 thì Côn Sơn Kiếp Bạc đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Giá vé Côn Sơn Kiếp Bạc
Giá vé vào cổng khu di tích Côn Sơn: 15.000vnđ/người/lượt.
Giá vé vào cổng khu di tích Kiếp Bạc: 15.000vnđ/người/lượt.
Giá vé gửi xe ô tô từ 24 chỗ trở lên: 20.000vnđ/lượt.
Giá vé gửi xe ô tô từ 12 – 23 chỗ: 15.000vnđ/lượt.
Giá vé gửi xe ô tô dưới 10 chỗ: 12.000vnđ/lượt.
Đảo Cò Chi Lăng – điểm Du Lịch Sinh Thái Hải Dương
Đảo Cò là khu du lịch sinh thái tuyệt vời bạn nhất định phải tới tham quan khi đến Hải Dương. Bạn có thể thực hiện chuyến đi Hải Dương vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, thời điểm lí tưởng nhất là vào khoảng từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Lúc này là thời điểm cò, vạc ở khắp mọi nơi đều tụ tập để kiếm ăn, tạo nên một khung cảnh không gian huyền ảo, thiên nhiên sôi động và tuyệt mỹ. Nhất là vào buổi sáng sớm và buổi tối, hàng ngàn chú cò, vạc cất tiếng “giao ca” vô cùng thú vị.
Du lịch Hải Dương – Giếng Ngọc
Đây cũng là một trong những điểm du lịch hút khách ở Hải Dương. Giếng Ngọc nằm ở núi Kỳ Lân, dưới chân Đăng Minh Bảo Tháp.
Theo truyền thuyết thì giếng Ngọc nước này trước kia được thần tiên ban cho một nguồn nước quý giá. Nước ở đây trong vắt, mát lạnh khi uống vào có cảm giác vô cùng sảng khoái và dễ chịu. Ngày nay, người ta thường sử dụng nước giếng để làm nước cúng trong chùa.
Đền thờ Chu Văn An – Khu di tích Phượng Hoàng
Đền thờ Chu Văn An nằm trên núi Phượng Hoàng thuộc phường Cộng Hòa, thành phố Chí linh. Đền được xây dựng để tưởng nhớ Chu Văn An, người thầy đức cao vọng trọng của nền giáo dục Việt Nam từ thời phong kiến.
Khu du lịch di tích Phượng Hoàng là nơi du lịch tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái. Những cánh rừng thông xanh mướt, những con suối len lỏi chảy róc rách. Đây là nơi thích hợp cho chuyến du lịch đi dã ngoại, leo núi, cắm trại…
Trải nghiệm du lịch Hải Dương đầy ấn tượng với Làng gốm Chu Đậu
Hãy thử trải nghiệm du lịch thực tế tại làng gốm Chu Đậu. Bạn sẽ có những khám phá đầy ấn tượng riêng trong chuyến du lịch Hải Dương. Tự tay cảm nhận kỹ thuật làm gốm sẽ mang lại cho bạn sự thích thú khó tả. Và đừng quên chọn mua một vài đồ vật làm quà lưu niệm nhé.
Đặc sản ẩm thực tại Hải Dương
Bánh đậu xanh
Bánh đậu xanh có thể nói là đặc sản Hải Dương rất nổi tiếng. Đến Hải Dương ai cũng một lần thưởng thức đặc sản bánh đậu xanh. Không chỉ thế mà còn mang về làm quà cho người thân. Bánh được làm từ những nguyên liệu gần gũi với người nông dân: đậu xanh, đường tinh, mỡ lợn, tinh dầu hoa bưởi. Cái độc đáo, hấp dẫn của bánh nằm ở những công đoạn vô cùng tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của người chế biến.
Bánh lòng Kinh Môn
Bánh lòng từ lâu đã trở thành thứ bánh đặc sản truyền thống ở đây. Thế nhưng ở ngay trên mảnh đất Kinh Môn, người ta không thể thấy thứ bánh này ở quán nước hay bất cứ phiên chợ nào mà chỉ thấy trên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết đón xuân về.
Du lịch Hải Dương phải thử Rươi Tứ Kỳ
Về Tứ Kỳ – Hải Dương mà không thưởng thức những món rươi ở đây thì quả thực là điều tiếc nuối. Mùa rươi bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, món chả rươi là món dễ chế biến và thơm ngon nhất vùng quê này.
Du lịch Hải Dương nhất định phải mua vải thiều Thanh Hà làm quà
Vải thiều Thanh Hà được mệnh danh là “bà hoàng” của các loại vải. Vải thiều hạt nhỏ, màu nâu đen, cây vải tuổi càng cao thì hạt càng nhỏ, có nhiều trái gần như không có hạt và lớp cùi dày mọng nước.
Nhà nghỉ, khách sạn ở Hải Dương
Hải Dương có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, nổi tiếng là khách sạn Nam Cường 25 tầng. Tuy nhiên, giá phòng ở đây hơi mắc. Nếu muốn nghỉ với mức giá bình dân thì nên tìm khách sạn/ nhà nghỉ ở trên tuyến phố Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thị Duệ, Điện Biên Phủ,… Bạn nên gọi điện đặt phòng trước khi tới nghỉ chân để tránh tình trạng hết phòng.
Ngoài ra, còn một số nhà nghỉ, khách sạn ở Hải Dương cho bạn tham khảo như nhà nghỉ/ khách sạn Công Đoàn Côn Sơn, Hữu Nghị, Nhà khách Hồ Côn Sơn, nhà khách Quân khu 3,… Tùy vào điểm đến của mình mà bạn chọn cho mình khách sạn, nhà nghỉ phù hợp.
Trên đây là những chia sẻ của mình khi đi du lịch Hải Dương. Hy vọng bài viết có ích với bạn. Cùng theo dõi những bài viết tiếp theo để khám phá những vùng đất mới nhé!
__
Du khách có thể tham khảo thêm các thông tin tại:
Website chính thức của Di sản Tràng An: https://disantrangan.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/disantrangan.vn
Chia sẻ những bức hình đã chụp tại: https://www.facebook.com/groups/checkintrangan