Chùa Hoằng Pháp
Là một trong ngôi chùa đầu tiên tổ chức khóa tu mùa hè cho giới trẻ, chùa Hoằng Pháp Hóc Môn Sài Gòn thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên đến thiền tu mỗi khóa.
Ngôi chùa có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ này là địa điểm du lịch tâm linh vô cùng nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh.
Bài viết dưới đây cung cấp một số thông tin về chùa Hoằng Pháp Hóc Môn, hy vọng sẽ hữu ích cho du khách trong chuyến đi khai xuân sắp tới.
Chùa Hoằng Pháp ở đâu?
Địa chỉ chùa Hoằng Pháp
Hoằng Pháp là ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc Tông. Các khóa tu chùa Hoằng Pháp luôn thu hút rất nhiều người tham gia.
Địa chỉ: Số 196 đường Lê Lợi, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Google Maps
Hướng dẫn di chuyển đến chùa Hoằng Pháp
Chùa cách trung tâm Quận 1 khoảng 20km. Để di chuyển đến chùa, bạn hãy đi theo đường Nguyễn Văn Trỗi, đến Cộng Hòa rồi qua Trường Chinh. Tiếp tục đi dọc theo quốc lộ 22 là bạn sẽ thấy ngôi chùa nằm bên phải đường đi.
Còn nếu muốn di chuyển bằng xe bus, bạn có thể đi tuyến bus số 04, 13, 74, 94.
Thời gian mở cửa chùa Hoằng Pháp
Giờ mở cửa: chùa Hoằng Pháp mở cửa từ lúc 6 giờ sáng và đóng cửa lúc 6 giờ tối, từ thứ 2 đến Chủ nhật hàng tuần. Thời gian dịch covid 19 diễn biến phức tập sẽ có những thay đổi về giờ đóng mở cửa.
Lịch sử hình thành chùa Hoằng Pháp
Cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử sáng lập ra chùa Hoằng Pháp vào năm 1957, xây dựng trên một cánh rừng chồi. Đến năm 1959, chùa bắt đầu được xây dựng bằng gạch đinh. Ngôi chùa quay mặt về hướng Tây Bắc.
Thời điểm năm 1965, chiến tranh nổ ra, cố hòa thượng Ngộ Chân Tử đã đón nhận 60 gia đình để chăm sóc trong vòng 8 tháng. Đến năm 1968, vị hòa thượng này thành lập ra viện Dục Anh. Nơi đây đón nhận 365 em nhỏ trong khoảng từ 6 đến 10 tuổi về nuôi dạy.
Năm 1971, hòa thượng Ngộ Chân Tử xây thêm một mặt tiền chánh điện có chiều dài 28m. Nơi đây dành để lễ bái và giảng đạo.
Sau 30/4/1975, trẻ em tại chùa được người thân nhận về. Chùa Hoằng Pháp đón nhận các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và cụ già neo đơn về chăm sóc.
Năm 1988, hòa thượng Ngộ Chân Tử viên tịch. Đệ tử Thích Chân Tính lên làm trụ trì cho tới giờ.
Năm 1995, chùa xây lại khu chánh điện.
Năm 1999, chùa tổ chức khóa tu Phật thất diễn ra trong 7 ngày 7 đêm với khoảng 70 người tham dự.
Năm 2005, chùa Hoằng Pháp tổ chức khóa tu mùa hè cho học sinh, sinh viên. Các khóa học vẫn diễn ra thường xuyên cho đến tận ngày nay.
Trụ trì chùa Hoằng Pháp là ai?
Từ năm 1988, Thượng tọa Thích Chân Tính (đệ tử của hòa thượng Ngô Chân Tử) làm trụ trì chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đến nay.
Thầy Thích Chân Tính, thế danh Nguyễn Sỹ Cường, sinh năm 1958, tại Daklak, nguyên quán Bắc Ninh. Thầy là con thứ 2 trong gia đình có 7 anh chị em.
Năm 1973, vào dịp nghỉ hè, nhân đọc cuốn sách “Lược Truyện Đức Phật Thích Ca”, Thầy đã hiểu về lý vô thường và thấy rõ bản chất đời sống thế gian là giả tạm.
Cuối năm 1973, khi vừa tròn 15 tuổi, Thầy xuất gia với Đại lão Hòa thượng Ngộ Chân Tử tại chùa. Xuất gia được 3 năm, năm 1976 Thầy được ân sư cho thọ giới Sa-di.
Đến năm 1979, Thầy vào TP. HCM theo học các khóa Phật học. Năm 1981, Thầy thọ giới Tỳ-kheo, tại giới đàn chùa Long Hoa, quận 3. Bên cạnh việc học Phật, năm 1985, Thầy là sinh viên khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp TP. HCM (nay là trường ĐHKHXH&NV).
Kiến trúc chùa Hoằng Pháp Hóc Môn
Cổng chùa
Kiến trúc của cổng chùa là sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại vô cùng độc đáo. Những đường cong được cách điệu có phần góc cạnh hơn những cổng chùa truyền thống. Phía trên mái cổng chùa có hai tầng được lợp bằng ngói đỏ.
Cổng Tam Quan. Cổng chính đề chữ “Chùa Hoằng Pháp”. Hai cổng phụ: cổng phụ bên phải là chữ “Trí Tuệ”, cổng phụ bên trái là chữ “Từ Bi”.
Khuôn viên chùa
Trong khuôn viên chùa, các chậu cây xanh được trang trí dọc hai bên tạo ra không gian mát mẻ và xanh tươi cho ngôi chùa. Đứng dưới bóng cây râm mát, du khách sẽ cảm nhận được sự bình yên và thanh tịnh trong tâm hồn.
Chánh điện
Chánh điện chùa có chiều dài 42m, chiều ngang 18m. Tổng diện tích chùa là 756m2 và được xây dựng theo lối kiến trúc chữ “công”.
Chùa Hoằng Pháp có kiến trúc 2 tầng và 8 mái với hệ thống cột mái, cột trần vô cùng kiên cố. Tường được xây bằng gạch và dán gạch men ở ngoài, sơn nước mặt trong.
Hai bên bậc tam cấp là hai chú sư tử vàng uy mãnh. Ở chính giữa là đỉnh đồng được chạm trổ tinh tế, tỉ mỉ. Toàn bộ cánh cửa, bao lam và án thờ trong chùa được làm toàn bộ từ gỗ quý.
Tháp Nhị Nghiêm là công trình phụ nằm bên trái chùa.
Tháp Nhị Nghiêm nằm ở phía bên trái chánh điện và là nơi an nghỉ của cố hòa thượng Ngộ Chân Tử – người xây dựng nên ngôi chùa.
Tháp có móng hình tròn, cao ba bậc, càng lên cao thì vòng tròn càng thu hẹp lại. Phía bên trên chính là tòa tháp hình vòm được ốp gạch men. Đỉnh tháp có chữ “Vạn” biểu tượng cho sự vĩnh hằng cùng vũ trụ và công đức vô lượng.
Cách tháp Nhị Nghiêm một khoảng là tháp của các ni cô quá cố
Hòn non bộ rộng hơn 20m và cao 10m nằm bên trên một hồ nước. Bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 5m được làm từ cẩm thạch nằm ngay giữa hồ. Tiếp đó là tháp Phổ Độ – nơi để tro cốt của thập phương bá tánh.
Tăng đường nằm ngay sau chánh điện. Đây chính là nơi được dùng làm giảng đường trong chùa. Nơi đây có sức chứa khoảng trên 300 người.
Lịch khóa tu chùa Hoằng Pháp
Các khóa tu tại chùa luôn thu hút nhiều Phật tử tứ phương. Ước tính, mỗi khóa tu thu hút hàng nghìn người tham dự.
Trong vòng 7 ngày tu tại chùa, bạn sẽ được các sư thầy chùa Hoằng Pháp chỉ dạy cho rất nhiều điều. Đặc biệt là văn hóa trong đạo Phật: cách chắp tay, lễ bái, xá chào, lễ lạy, tu tâm, tu tính.
Khóa tu mùa hè chùa Hoằng Pháp
Tại chùa Hoằng Pháp còn có các khóa tu hè vô cùng phù hợp với học sinh, sinh viên. Chi tiết lịch khóa tu chùa Hoằng Pháp, các bạn có thể xem tại website của chùa tại đây.
Cầu may dưới gốc hoa vô ưu tại chùa Hoằng Pháp
Chùa Hoằng Pháp nổi tiếng với Phật tử tứ phương bởi cây hoa vô ưu vô cùng may mắn. Cây vô ưu hay còn được biết đến với cái tên khác như cây Đầu Lân, cây Ngọc Lân, cây Sa La.
Theo truyền thuyết từ xưa, Đức Phật Thích Ca được sinh ra ở dưới gốc cây vô ưu. Chính vì thế mà loài cây này còn được cho là mang lại may mắn. Phật tử khắp nơi thường kéo nhau về chùa Hoằng Pháp để cầu nguyện bên dưới cây vô ưu mong bình an, may mắn cho gia đình.
Những lưu ý khi đến chùa Hoằng Pháp
- Chùa là nơi linh thiêng nên khi đến đây bạn không nên ăn mặc những trang phục quá màu mè và gây phản cảm làm mất đi tính trang nghiêm vốn có của chùa.
- Đến chùa, bạn nên thành tâm cầu bình an và tận hưởng vẻ đẹp an lạc, linh thiêng thay vì mải mê chụp ảnh.
- Không tùy ý đụng, chạm hay lấy bất cứ đồ vật nào trong chùa khi không được sự cho phép của nhà chùa.
- Không dẫm đạp lên cây cối, hoa cỏ hay bàn ghế trong chùa. Vứt rác đúng nơi quy định để tránh làm ô nhiễm môi trường.
- Nên xin phép trước với ban quản lý nhà chùa để được sự đồng ý nếu muốn quay phim, chụp hình.
- Không bỏ tiền vào tượng Phật, chỉ để tiền vào hòm công đức.
- Chắp tay hình hoa sen và cúi chào sư thầy, sư cô.
- Không mang theo vũ khí, chất gây cháy nổ, các chất ma túy, gây nghiện, văn hóa phẩm đồi trụy và các loại tài liệu chưa được sự kiểm duyệt và cho phép của nhà chùa.
- Không đi vào những khu vực có biển Cấm vào và nội viện của Tăng Ni.
- Không tự ý xả rác bừa bãi trong khuôn viên chùa.
- Tuyệt đối không tự ý đánh chuông, trống và các pháp khí của chùa.
Chùa Hoằng Pháp Trung Ương (Củ Chi) là gì?
Liên quan đến một nơi có tên Chùa Hoằng Pháp Trung Ương ở huyện Củ Chi, TPHCM, Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP.HCM) xác nhận rằng, chùa Hoằng Pháp Trung ương ở huyện Củ Chi không liên hệ gì đến chùa Hoằng Pháp tại huyện Hóc Môn.
Ngoài ra, một người có tên Nguyễn Minh Phúc, tự xưng là chư Tăng chùa Hoằng Pháp là không đúng sự thật. “Nay, chùa Hoằng Pháp khẳng định, Nguyễn Minh Phúc không xuất gia ở chùa Hoằng Pháp, cũng như không phải chư Tăng của chùa và chùa Hoằng Pháp cũng không cử chư Tăng hay Phật tử đi quyên góp tịnh tài, tịnh vật dưới mọi hình thức” – thông báo của chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn) năm 2014 nêu rõ.
Danh sách chư tăng chùa Hoằng Pháp
Danh sách chư tăng chùa Hoằng Pháp có thể xem tại website chính thông của chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn) do thầy Thích Chân Tính làm trụ trì. Danh sách chư tăng chùa Hoằng Pháp xem tại đây.
Xem thêm:
- Khám phá chùa Tam Chúc, Hà Nam: Ngôi chùa lớn nhất thế giới
- Khám phá Chùa Bái Đính, Ninh Bình: Ngôi chùa có nhiều kỷ lục của Đông Nam Á
- Tổng hợp 100 ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, chùa gần đây
- Top 20 địa địa du lịch Sài Gòn
__
Du khách có thể tham khảo thêm các thông tin tại:
Website chính thức của Di sản Tràng An: https://disantrangan.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/disantrangan.vn
Chia sẻ những bức hình đã chụp tại: https://www.facebook.com/groups/checkintrangan