Đặt tour, đặt phòng, mua vé máy bay, show diễn, sim quốc tế, homestay

Khám phá 5 ngôi chùa Hang ấn tượng ở nước ta

Chùa Hang

Cùng tên gọi là chùa Hang nhưng 5 ngôi chùa ở 5 tỉnh thành lại mang màu sắc kiến trúc, văn hóa và ý nghĩa đặc trưng riêng.

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về những ngôi chùa Hang An Giang, chùa Hang Hải Phòng, chùa Hang Thái Nguyên, chùa Hang Kiên Giang chùa Hang Hà Tĩnh, hy vọng sẽ hữu ích cho bạn trong chuyến khám phá những ngôi chùa ở các địa danh này.

Chùa Hang
Văn Thái

Chùa Hang An Giang (Phước Điền tự)

Chùa Hang An Giang ở đâu?

Chùa Hang nằm trên núi Sam ở TP Châu Đốc – nơi hội tụ nhiều điểm đến tâm linh, thắng tích nổi tiếng như Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, hút du khách đến tham quan. 

Địa chỉ: Đường Tân Lộ Kiều Lương, cách chùa Tây An chừng 2 km là chùa Phước Điền, hay được biết với tên khác là chùa Hang. Google Maps

Chùa Hang An Giang
Hình ảnh Chùa Hang Châu Đốc An Giang (Gold Bi)

Lịch sử hình thành và truyền thuyết chùa Hang Châu Đốc An Giang

Tương truyền, chùa Hang An Giang do bà Thơ (tên thật là Lê Thị Thơ, sinh năm 1818) lập nên. Sau khi lập gia đình, bà gặp cảnh đời ngang trái và nương nhờ cửa Phật tại Tây An tự, quy y với pháp danh Diệu Thiện. 

Sau thời gian tu hành, bà đi về phía Tây núi Sam, bà gặp một hang sâu, rậm rạp cây cối nên ở lại dựng am bằng tre, lá làm nơi tu hành.

Cạnh am bà Thợ tu có một hang núi sâu, bên trong có đôi mãng xà to, từ khi bà đến tu hành, hàng ngày cặp mãng xà được nghe kinh Phật trở nên hiền lành, ăn đồ chay, không hại người. Bà Thợ đặt tên cho cặp mãng xà là Thanh Xà, Bạch Xà. Khi bà qua đời, cặp rắn này bỗng dưng biến mất. 

Sau đó để tránh nguy hiểm, hang được lấp kín chỉ còn lối đi vào cửa, sâu khoảng 10 m, bên trong thờ Phật A Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí Bồ Tát.

Cảm mến sự đức độ của sư nữ Diệu Thiện, năm 1885, ông Phán Thông (tên thật là Nguyễn Ngọc Cang) cùng nhân dân quanh vùng góp tiền của, xây dựng chùa Hang Châu Đốc với nền lát gạch tàu, mái ngói, cột gỗ căm xe… mang tên Phước Điền tự, nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Hang hay chùa rắn.

Chùa Hang Hà Tĩnh

Chùa Hang Hà Tĩnh là một ngôi chùa trong chuỗi hệ thống chùa ở ngọn núi Hồng Lĩnh, thu hút một lượng lớn khách tham quan hằng năm.

Chùa Hang Hà Tĩnh
Hình ảnh chùa Hang Hà Tĩnh (Báo Hà Tĩnh)

Địa chỉ chùa Hang Hà Tĩnh

Địa chỉ: thuộc tổ dân phố 10, địa bàn phường Bắc Hồng, thuộc địa phận thị xã Hồng Linh, Hà Tĩnh. Google Maps

Chùa mở cửa cho du khách đến tham quan miễn phí và trải nghiệm không gian yên bình từ 7h đến 18h hàng ngày.

Chùa Hang Hà Tĩnh – Lịch sử bí ẩn 

Trước đây, núi Hồng Lĩnh có 8 cửa truông và có nhiều hang động nổi tiếng như: động Hàm Rồng, động 12 Cửa, động Đá Hang,… Những thuyết minh về chùa Hang Hà Tĩnh đều không ghi chép cụ thể ngôi chùa này xuất hiện từ khi nào.

Đến những năm 80 của thế kỉ XIX, một người đàn ông có tên Trần Văn Phú (trú tại phường Bắc Hồng, TX. Hồng Lĩnh) đứng ra kêu gọi mọi người bỏ công sức, tiền của để tôn tạo chùa.

Ban đầu, ngôi chùa này chỉ là một hang đá nhỏ bị vùi lấp bởi đất đá, nhiều lớp rêu phong phủ kín cho thấy dấu ấn của thời gian. Khi mới phát hiện, sâu bên trong hang có một vài tượng Phật bị mục, một số đồ dùng thờ tự còn sót lại những cũng đã bị hỏng. Ngoài ra, xung quanh còn có thêm nền móng của một số công trình như: đài Quan Thế Âm, nhà Tăng, nhà Tổ,…

Kiến trúc chùa Hang Hà Tĩnh

Kết cấu của chùa Hang Hà Tĩnh bao gồm các hạng mục như sau: 

  • Khuôn viên tượng Quan Âm Cung A Di Đà
  • Cung Tam Bảo
  • Cung thờ Mẫu
  • Cung thờ tượng Quan Âm cùng khu vực thờ Thiên thủ Thiên Nhẫn
  • Nhà Tăng
  • Các hoa viên xung quanh

Quang cảnh của ngôi chùa này được phân bố đồng đều, có hệ thống khu tản bộ, khu vực vườn hoa cây cảnh. Bởi vậy, nhiều du khách đánh giá kiến trúc của chùa khá hài hòa, giao thoa giữa nét cổ kính, hiện đại, vừa gần gũi vừa thể hiện được sự tôn nghiêm, linh thiêng.

Chùa Hang Thái Nguyên – Kim Sơn tự

Địa chỉ chùa Hang Thái Nguyên

Tọa lạc trong lòng ba ngọn núi lớn, chùa Hang ở Thái Nguyên là ngôi chùa linh thiêng, một di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng bậc nhất của tỉnh.

Chùa thuộc xóm Đồng Chùa, thị trấn Chợ Chu, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 60 km về phía Tây Bắc. Google Maps

Chùa Hang Thái Nguyên - Kim Sơn tự
Hình ảnh chùa Hang Thái Nguyên (Ngọc Diệp)

Vẻ đẹp chùa Hang Thái Nguyên

Chùa Hang là một hang động tự nhiên chìm sâu trong núi đá, cửa chùa nằm ở lưng chừng núi đá vôi, dãy núi kéo dài khoảng 10km, theo đường vòng cung, dáng núi có hình hai con rồng châu đầu vào nhau nên nhân dân quen gọi là núi “hai đầu rồng”, phía dưới là dòng sông Chu hiền hòa.

Chùa là một quần thể kiến trúc gồm: Hang trên, miếu Mẫu, nhà Tam quan, hang dưới, bàn thờ Phật, tấm bia cổ thời Nguyễn và chuông cổ. Từ cửa hang càng vào sâu trong hang càng rộng, điểm độc đáo ở đây là bên trong có những bãi đá bằng phẳng, nước chảy thành bờ vùng, bờ thửa, lưu truyền đó là ruộng của tiên phật.

Chùa Hang còn là một di tích gắn với một sự kiện lịch sử, là nơi Bác Hồ từng ở và làm việc sau khi đi chiến dịch Biên giới Thu Đông (1950). Nơi đây đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 2015.

Chùa Hang Đồ Sơn – nơi khởi đầu Phật giáo tại Việt Nam

Chùa Hang Đồ Sơn ở đâu?

Là ngôi cổ tự khởi nguồn cho nền Phật giáo Việt Nam, chùa Hang Đồ Sơn với lối kiến trúc ấn tượng và có khung cảnh đẹp say lòng. 

Địa chỉ: Chùa Hang Đồ Sơn (tên chữ là Cốc Tự) tọa lạc tại khu 1, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng. Google Maps

Chùa Hang Đồ Sơn
Chùa Hang Hải Phòng (Báo Lao Động)

Lịch sử hình thành chùa Hang Hải Phòng

Từ xa xưa, thời điểm mới khai hoang, chùa Hang được xây dựng trong một hang đá. Theo lịch sử ghi lại, vào thế kỷ thứ II (TCN), có một nhà sư từ Thiên Trúc đã đi cùng các thương gia sang Giao Châu (vùng đất Việt Nam ngày nay) để truyền bá đạo Phật. Chính ông đã dừng lại tại đây, chọn một hang đá để cư trú và mở chùa, đó chính là Cốc Tự cổ và ngày nay gọi là chùa Hang.

Kiến trúc bên trong chùa Hang Đồ Sơn

Chùa Hang Đồ Sơn Hải Phòng cũ ngày trước được xây dựng trong một hang đá, có chiều cao là 3.5m và rộng 7m, càng vào sâu bên trong thì chùa càng thu hẹp dần diện tích.

Kiến trúc của chùa bao gồm 2 bậc thềm chính, bậc thềm ngoài rộng khoảng 23m2 và bậc thềm trong rộng 7m2, cao 0.5m. Đi sâu vào phía trong hang núi là tượng Phật Quang – người đã dạy đạo cho Chử Đồng Tử (Tứ bất tử của người Việt xưa).

Điểm đặc biệt của ngôi chùa Cốc cổ đó chính là thế lưng tựa núi, mặt hướng biển cực đẹp. Vì vậy, không khí trong hang lúc nào cũng rất mát mẻ và dễ chịu.

Ngày nay, sau khi đã trải qua nhiều lần cải tạo, trùng tu lại, chùa Hang Đồ Sơn mới đã được di chuyển và xây dựng lại cách đó khoảng 100m. Kiến trúc chùa mới đẹp và độc đáo hơn, với 3 tầng riêng biệt: tầng 1 dành cho việc bếp núc nấu ăn, tầng 2 là tòa Tam Bảo và tầng thứ 3 là điện Tây Phương. 

Chùa Hang Hà Tiên Kiên Giang

Chùa Hang Hà Tiên ở đâu?

Chùa Hang ở Hà Tiên có tên chữ là Hải Sơn Tự, nằm sát bờ, sóng biển vỗ về quanh năm, vách dựng lên như một hải vọng đài. 

Địa chỉ: Chân núi An Hải Sơn, thuộc xã An Bình, huyện Kiên Lương, Kiên Giang. Google Maps

Lịch sử chùa Hang Hà Tiên (Khu du lịch Hòn Phụ tử)

Hang động trên được khám phá vào thế kỷ 18 do các nhà sư Thái Lan và các ngư dân đến đây khẩn hoang lập nghiệp. Sau đó, các nhà sư này đã lập nên chùa và lúc đầu chùa chưa có tên.

Năm 1771, quân Xiêm sang xâm lược nước Việt và rút quân về nước năm 1774, các vị sư đành phải theo về. Thấy ngôi chùa bị bỏ hoang một thời gian dài, nhân dân địa phương đã thỉnh nhà sư người Khmer đến trụ trì. Sau này, các vị sư Khmer đã xây dựng thêm một cái am ở bên ngoài cách chùa cũ không xa và đặt tên là chùa Thái lan

Năm 1800, hai anh em ruột Võ Thường Lễ và Võ Thường Nghĩa trùng tu lại ngôi chùa cũ và đặt tên là Chùa Hang. Kế tục trụ trì chùa Hang cũng là một nhà sư người Việt có pháp danh là Thiện Tông.

Năm 1920, hòa thượng Thiện Tông viên tịch ở hang Phật Ngủ, Hòa thượng Thượng Tố lên làm trụ trì chùa.

Từ năm 1939 đến 1944, trụ trì chùa Hang là Hòa thượng Chí

Đến năm 1953 cư dân địa phương cung thỉnh một sư cô quen gọi là Cô Sáu về trông lo việc Phật sự.

Năm 1975, Sư cô Sáu viên tịch. Hòa thượng Thiện Hóa tiếp tục trụ trì cho đến khi viên tịch vào năm 1999. Trong suốt 45 năm trụ trì chùa Hang, Hòa thượng Thiện Hóa đã nhiều lần cho trùng tu và đặc biệt đại trùng tu vào năm 1962 theo dáng vẻ như ngày nay

Từ năm 1999 đến năm 2002, chùa do Đại đức Thích Minh Hải trụ trì. Và sau đó là Đại đức Thích Minh Nhẫn làm trụ trì cho đến nay.

Chùa Hang  Hà Tiên Kiên Giang
Chùa Hang Hà Tiên (ST)

Vẻ đẹp chùa Hà Tiên Kiên Giang

Chùa Hang thực chất là núi đá vôi bị xâm thực có cách đây hơn 1000 năm. Thiên nhiên đã tạo nên một động thật độc đáo, động khá cao cỡ trần nhà nhưng do chiều dài nên trong động thiếu ánh sáng, ở giữa động tối như màn đêm.

Chùa Hang bên ngoài là một ngọn núi nhuốm màu hoang dã nhưng trong lòng núi là một động đá vôi thẳng theo trục Đông Bắc – Tây Nam, chiều dài hơn 50m, chỗ hẹp nhất chỉ khoảng 3-4 người đi lọt.

Phía bên trong hang động là một ngôi chùa nằm giữa hang sâu gần 40m, thâm u, mờ ảo. Trước sân chùa Hang thờ tượng Phật Di Lặc nặng tới 22 tấn, bằng đá Non Nước được thỉnh về từ Đà Nẵng.

Chính điện của Chùa Hang nằm trong lòng núi với động đá vôi không biết có từ bao giờ, những thạch nhũ to cao như cột nhà gõ vào thì âm thanh ngân lên như tiếng chuông chùa, vì vậy có người gọi là đá chuông. 

Động còn có Hang Kim Cương với con đường lên trời và Hang Phật Ngủ có tượng đá hình Phật nằm, cùng những tượng Phật ẩn hiện bởi ánh sáng.

Những lưu ý khi đến những ngôi chùa Hang

  • Chùa là nơi linh thiêng nên khi đến đây bạn không nên ăn mặc những trang phục quá màu mè và gây phản cảm làm mất đi tính trang nghiêm vốn có của chùa.
  • Đến chùa, bạn nên thành tâm cầu bình an và tận hưởng vẻ đẹp an lạc, linh thiêng thay vì mải mê chụp ảnh.
  • Không tùy ý đụng, chạm hay lấy bất cứ đồ vật nào trong chùa khi không được sự cho phép của nhà chùa.
  • Không dẫm đạp lên cây cối, hoa cỏ hay bàn ghế trong chùa. Vứt rác đúng nơi quy định để tránh làm ô nhiễm môi trường.
  • Nên xin phép trước với ban quản lý nhà chùa để được sự đồng ý nếu muốn quay phim, chụp hình.

Xem thêm:

  • Khám phá chùa Tam Chúc, Hà Nam: Ngôi chùa lớn nhất thế giới
  • Khám phá Chùa Bái Đính, Ninh Bình: Ngôi chùa có nhiều kỷ lục của Đông Nam Á
  • Tổng hợp 100 ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, chùa gần đây

__

Du khách có thể tham khảo thêm các thông tin tại:

Website chính thức của Di sản Tràng An: https://disantrangan.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/disantrangan.vn

Chia sẻ những bức hình đã chụp tại: https://www.facebook.com/groups/checkintrangan

Loading...