Chùa Tam Chúc miễn phí vé du thuyền trong lễ Phật Đản 2022
Trong thời gian diễn ra đại lễ Phật Đản 2022, chùa Tam Chúc sẽ miễn phí toàn bộ thuyền và phương tiện vận chuyển tham quan từ 14h đến 23h ngày 15/5. Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc cũng sẽ không thu phí tham quan.
Giá vé thuyền, xe điện ở chùa Tam Chúc thường ngày
Gói dịch vụ | Giá |
Gửi xe máy | 5.000 vnđ – 10.000 vnđ/ 1 lượt |
Đi du thuyền | 250.000 vnđ/ 1 người/ 1 lượt |
Xe điện | 90.000 vnđ/ 1 người/ 1 lượt |
Lưu ý:
- Trẻ em dưới 1m miễn phí dịch vụ
- Trẻ em cao trên 1m tính giá như người lớn
Chùa Tam Chúc miễn phí 10.000 suất cơm chay trong Lễ Phật Đản 2022
Cũng tại đại lễ Phật Đản 2022, chùa Tam Chúc sẽ phát 10.000 suất ăn chay, và hoa đăng miễn phí cho du khách và Phật tử thập phương khi tới dự lễ. Năm 2019, lễ hoa đăng trong khuôn khổ đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 ghi nhận sự tham dự của 10.000 người và hơn 40.000 hoa đăng được thả tại hồ.
- Xem thêm: Top 10 khách sạn gần chùa Tam Chúc
- Xem thêm: Top 100 ngôi chùa cổ kính, linh thiêng của Việt Nam
Lễ Phật Đản là gì?
Lễ Phật đản là ngày gì? Nhiều quốc gia coi đây là ngày Tam hiệp, kỷ niệm ngày Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn. Đây cũng là ngày để tín đồ Phật tử tưởng nhớ lại cuộc hành trình 80 năm nơi trần thế của Đức Phật.
Ý nghĩa lễ Phật Đản 2022
Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ, ngày này có mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn đó là nhắc nhớ tứ chúng đệ tử Phật phải không ngừng nỗ lực tu tập, buông bỏ để trở về chính mình, tìm thấy chân tâm tự tánh, bản lai diện mục.
Thông điệp Lễ Phật Đản 2022 là gì?
Thông điệp Đại lễ Phật Đản năm 2022 là ý thức về đạo đức cá nhân trong xã hội. Thông điệp này đã được Đức Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng đã chia sẻ đến Tăng Ni, Phật tử.
Một đoạn thông điệp có nội dung như sau: “Theo lời dạy của Đức Phật, trách nhiệm xã hội là tiêu chuẩn của cả đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ hành động vì hạnh phúc, an lạc của nhân loại.
Do vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đệ tử Phật cũng phải nêu cao đạo hạnh, nghiêm trì giới luật và tuân thủ pháp luật; đồng thời siêng năng thực hành giáo lý từ, bi, hỷ, xả để nuôi dưỡng thân tâm. Đó chính là nền tảng thực hiện trách nhiệm xã hội, xóa bỏ điều ác, hận thù, vô cảm trong xã hội. Đây cũng chính là tiền đề và là động lực để mỗi chúng ta thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”
Lễ Phật Đản ngày nào?
Ngày Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật Đản, Vu lan, Thành đạo). Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch.
Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước là thành viên thống nhất lấy ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4).
Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).
Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca.
Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni – nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.
Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.
Theo truyền thống Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch, Giáo hội các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như:
Làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật… để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, Đức phật đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau.
Ngoài ra, trước và trong dịp Đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với Đạo pháp hoặc những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật….
Thông qua các hoạt động này là dịp để mỗi người con Phật nhận diện về vai trò của mình đối với trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, theo đúng phương châm của đạo Phật “sống tốt đời, đẹp đạo”.
Lễ Phật Đản 2022 là ngày nào?
Lễ Phật Đản 2022 chính lễ tại Việt Nam rơi vào ngày Chủ Nhật 15/05/2022 tức ngày Rằm tháng 4 (15/04/2022 – Âm lịch). Phật lịch 2566.
Phật tử nên làm gì trong Đại lễ Phật Đản 2022?
Bắt đầu Lễ Phật Đản 2022 có thể bằng lễ Tắm Phật (Mộc dục). Mọi người có thể thiết trí mô hình vườn Lâm Tỳ Ni, hoặc biểu tượng Đản sinh của Đức Phật, tùy điều kiện và hoàn cảnh, cùng các thành viên trong gia đình thực hiện nghi lễ theo nghi thức. Hoặc cũng có thể đến các chùa có thiết trí lễ đài, cùng quý thầy, cô Phật tử khác thực hiện nghi lễ trên.
Lễ Phật Đản là dịp Phật tử tỏ lòng thành kính lên Đức Phật, đồng thời nhắc nhở về lối sống đạo đức mà mình tin tưởng, phát nguyện sống theo. Do đó, mỗi nhà nên có sự trang hoàng theo điều kiện, tối thiểu là cắm lá cờ Phật giáo, trưng bày hoa tươi, quả tốt cúng dường, tùy tâm và hoàn cảnh của mình mà làm.
Chúng ta có thể xông trầm, dâng hương, lễ Phật và cầu nguyện vào mỗi sớm mai, tối đi làm về, hướng dẫn con cháu cùng thực hiện; đọc lại kinh Phật dạy, nghe thuyết giảng, tìm hiểu về cuộc đời và những lời dạy của Đức Phật để làm giàu nhận thức của chính bản thân cũng như có để chia sẻ với người thân, bạn bè và những ai muốn tìm hiểu./.