Đặt tour, đặt phòng, mua vé máy bay, show diễn, sim quốc tế, homestay

Kinh nghiệm du lịch Yên Tử – Tìm về “đất tổ Phật giáo Việt Nam”

Du lịch Yên Tử

Chùa Yên Tử Quảng Ninh là tên gọi tắt của khu di tích và danh lam thắng cảnh Yên Tử. Bạn đang muốn đi du lịch Yên Tử, tuy nhiên vẫn băn khoăn không biết chùa Yên Tử ở đâu, chùa Yên Tử Thờ ai, chùa Yên Tử cao bao nhiêu mét, leo Yên Tử bao nhiêu bậc hay đi Yên Tử như thế nào? Bài viết dưới đây xin giải đáp những thắc mắc trên, đồng thời, cung cấp cho du khách những thông tin hữu ích về Yên Tử để du khách có một chuyến du lịch tâm linh trọn vẹn!

du lịch Yên Tử
Ảnh: Thuận Aly

Giới thiệu về Yên Tử

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử thuộc núi Yên Tử tọa lạc tại thôn Nam Mẫu, Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, Quảng Ninh. 

Núi Yên tử là nơi vua Trần Nhân Tông đã tu hành và lập ra giáo phái Phật giáo có tên là Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đỉnh Yên Tử có rất nhiều ngôi chùa cổ, mỗi năm hành hương tới đây, du khách lại tưởng nhớ đến vị vua một thời của đất nước. Nhân dịp lễ hội chùa Yên Tử dân chúng tưởng niệm về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của Việt Nam.

Đỉnh Yên Tử Quảng Ninh có chùa Đồng Yên Tử cao 1.068m so với mực nước biển. Rất nhiều du khách tới đây muốn leo lên đỉnh Yên Tử, họ phải đi qua hàng nghìn bậc đá xếp, với quãng đường dài 6km. Thật tuyệt vời khi đến Yên Tử, lắng nghe sự tích chùa Yên Tử, thượng ngoạn cảnh đẹp, thành tâm lễ phật tại nhiều ngôi chùa đẹp và linh thiêng. 

Đi Yên Tử mùa nào đẹp?

Yên Tử mùa nào cũng đẹp bởi vậy bạn có thể đây đây vào bất kể thời điểm nào trong năm. 

Đi Yên Tử mùa nào đẹp?
Ảnh: Tuyền Tây

Nếu muốn thanh tịnh, không gian yên tĩnh, vãn cảnh chùa bạn đi vào thời điểm ngoài mùa lễ hội.

Nếu muốn đông vui, nhộn nhịp thì ghé Yên Tử vào mùa xuân từ tháng 1 -3 AL, đây chính là mùa lễ hội Yên Tử. Nhiều hoạt động lễ hội vô cùng đặc sắc và rất đông đoàn hành hương về nơi đây tụ tập. 

Trước khi đi du lịch nhớ xem dự báo thời tiết Yên Tử , Quảng Ninh 7 ngày tới, tự động cập nhật dành cho du lịch để chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi.

Hướng dẫn đi Yên Tử từ Hà Nội

Yên Tử cách Hà Nội khoảng 130km. Từ Hà Nội bạn có thể lựa chọn phương tiện các nhân hoặc phương tiện công cộng để di chuyển đến Yên Tử. 

  • Phương tiện cá nhân

Nếu đi xe máy hoặc ô tô riêng bạn có thể đi theo cung đường: Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (hoặc di chuyển theo đường đi Bắc Ninh) – QL18 – TP. Uông Bí – Yên Tử.

  • Phương tiện công cộng

Chọn xe khách đi Yên Tử, du khách bắt xe ở các bến xe Mỹ Đình, Lương Yên, hoặc Giáp Bát, xuống xe ở đền Trình ngay trên QL18. Theo kinh nghiệm du lịch Yên Tử của nhiều du khách, bạn nên chọn các nhà xe chạy tuyến Hà Nội – Hạ Long đều sẽ đi qua Yên Tử. 

Di chuyển ở Yên Tử

Đến Yên Tử bạn có thể chọn leo núi Yên Tử hoặc đi cáp treo. 

Yên Tử
Leo Yên Tử. Ảnh: Hưng Lương
Du lịch yên tử 3
Ảnh: Hồng Nhung

Đi cáp treo là giải pháp nhanh chóng tiết kiệm thời gian, tránh mệt mỏi. Tham khảo giá vé cáp treo Yên Tử:

  • Tuyến 1: Giải Oan – Hoa Yên

Một chiều: 120.000 VNĐ/vé

Khứ hồi: 200.000 VNĐ/vé

  • Tuyến 2: Một Mái – An Kỳ Sinh

Một chiều: 120.000 VNĐ/vé

Khứ hồi: 200.000 VNĐ/vé

  • Cáp treo lên Ngọa Vân

Một chiều: 100.000 VNĐ/vé

Khứ hồi: 180.000 VNĐ/vé

Trẻ em dưới 6 tuổi dưới 1m2 và người già trên 70 tuổi, thương binh, tăng ni sẽ được miễn phí vé cáp treo.

Để dễ hình dung về các chặng cáp treo cũng như các địa điểm tham quan ở Yên Tử, mời các bạn xem sơ đồ du lịch Yên Tử.

Sơ đồ du lịch Yên Tử
Sơ đồ du lịch Yên Tử
Sơ đồ du lịch Yên Tử 2
Sơ đồ du lịch Yên Tử

Các địa điểm tham quan khi đi du lịch Yên Tử

Du lịch Yên Tử – Chùa Trình

Chùa Trình hay còn được gọi là đền Trình hay chùa Bí Thượng. Chùa Trình nằm ở Bí Thượng, Phương Đông, TP. Uông Bí, Quảng Ninh.

Ngôi chùa cổ có tuổi đời hơn 400 năm này được xây dựng từ thời Hậu Lê với kiến trúc hình chữ Nhất. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ XX chùa được thay đổi thiết kế thành lối kiến trúc chữ Đinh. Năm 2006, chùa được tu sửa, mở rộng quy mô và xây dựng khang trang như ngày nay.

Bên trong chùa gồm: Tiền đường, Chính điện thờ Đức Phật, tòa Tả Vu và Hữu Vu thờ Thập Bát La Hán, nhà thờ Tổ, Tam Tổ Trúc Lâm,… dừng chân lại chùa Trình du khách có thể tham quan, cầu thỉnh, nghỉ ngơi giải lao để bắt đầu hành trình khám phá Yên Tử đầy thú vị. 

Chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, còn gọi là Chùa Lân hay Long Động Tự. Năm 1293, vua Trần Nhân Tông đã cho tôn tạo, xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm thành một nơi khang trang lộng lẫy, chùa Lân trở thành Viện Kỳ Lân – nơi giảng đạo, độ tăng. Ba vị sư tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang thường xuyên đến đây thuyết pháp, giảng kinh. Chùa Lân xưa kia là một trong những ngôi chùa quan trọng trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm.

Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử
Ảnh: sưu tầm

Du lịch Yên Tử – Suối Giải Oan

Vua Trần Nhân Tông đã chọn Yên Tử là nơi quy y cửa phật. Hàng trăm cung nữ, phi tần trong cung quá yêu quý đức vua, họ đến đây và xin vua quay trở về. Tuy nhiên, tâm ý nhà vua vẫn không đổi. Vì quá buồn rầu mà các cung nữ, phi tần đã thả mình xuống dòng nước. Cũng từ câu chuyện này mà cái tên Suối Giải Oan như để giải oan, siêu thoát cho những cung nữ vì nhà vua mà chết thả mình xuống suối.

Du lịch Yên Tử – Chùa Giải Oan

Chùa Giải Oan được gọi với cái tên khác là chùa Hạ. Chùa Giải Oan được xây dựng dưới thời Pháp Loa – vị tổ thứ hai của phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Chùa ngày nay được xây dựng trên nền móng cũ, trải qua nhiều lần trùng tu. Kiến trúc hình chữ Nhất, bên trong bài trí thờ Tam Tổ Trúc Lâm, Tổ chùa, Tổ Bồ Đề Đạt Ma.

Đặc biệt bên cạnh chùa Giải Oan là điện thờ thân mẫu Trần Thị Thiều – Đức mẫu Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu, và Quốc trương Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Trong hành trình du lịch Yên Tử, bạn hãy dành đôi ba phút nghỉ chân tại ngôi chùa này, tham quan, tận hưởng khung cảnh yên bình quanh chùa nhé.

Du lịch Yên Tử – Chùa Hoa Yên

Chùa Hoa Yên
Ảnh: sưu tầm

Chùa Hoa Yên còn được biết với cái tên Chùa Cả hay Chùa Phù Vân. Ngôi chùa này tọa lạc ở độ cao 516m. Trước đây chùa từng có tên gọi là chùa Vân Yên, nhưng sau khi vua Lê Thánh Tông đặt chân đến đây tham quan, thấy ngôi chùa muôn vàn sắc hoa, ông liền đổi tên thành chùa Hoa Yên. Ở phía trước chùa là Huệ Quang Kim Tháp và có hơn 40 ngôi tháp lớn nhỏ phần lớn được xây từ thời nhà Trần.

Du lịch Yên Tử – Chùa Một Mái

Chùa Một Mái còn gọi là chùa Bồ Đà. Ngôi chùa tọa lạc ở địa thế lưng chừng núi, một nửa ẩn mình trong hang động, một nửa phô ra giữa mây trời.

Chùa Một Mái gồm 3 gian chính:

  • Gian đầu thờ Đức Chúa Ông, Tổ Phật và Tam Tổ Trúc Lâm.
  • Gian giữa thờ Ban Thường Trụ Tam Bảo
  • Gian trong cùng thờ Quan Âm Bồ Tát.

Tháp Thanh Long ở phía trước chùa là nơi thờ Thiền sư Nguyên Hội – một nhà sư có công lớn với chùa. Cạnh chùa có rất nhiều cây quýt đại thụ, cây bồ hòn cùng nhiều cây thuốc quý hiếm mọc ở quanh vách núi.

Du lịch Yên Tử – Chùa Bảo Sái

Tên gọi chùa Bảo Sái được lấy theo tên một vị đệ tử thân tín của vua Trần. Chùa là nơi biên soạn và lưu trữ nhiều tài liệu kinh văn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngôi chùa mang một vẻ yên bình, tĩnh lặng và đôi chút hoài cổ.

Chùa Vân Tiêu

Chùa Vân Tiêu
Ảnh: sưu tầm

Vân Tiêu có nghĩa là tầng mây, đúng như tên gọi ngôi chùa này đẹp và quyện hòa cùng mây trời. Chùa Vân Tiêu tọa lạc ở phía Tây Yên Tử, bởi quanh năm mây mù bao phủ, ngôi chùa lúc ẩn lúc hiện trông rất hữu tình. 

Cổng trời, Bia Phật

Để lên đến đỉnh Yên Tử, du khách sẽ đi qua cổng trời – nơi có hàng ngàn phiến đá trầm tích to lớn, sắp xếp hoàn toàn tự nhiên. 

Phiến đá lớn được dựng dọc lên, trên đá có khắc chữ: Ai Di Đà Phật – Tứ Tự Hồng Danh – được gọi là Bia Phật.

Chùa Đồng Yên Tử

Chùa Đồng Yên Tử
Ảnh: Hưng Lương

Chùa Đồng nằm trên đỉnh Yên Tử với độ cao 1.068m so với mực nước biển. Nhiều người thắc mắc chùa Đồng Yên Tử thờ ai? Vâng! trong Chùa Đồng thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm.

Nơi đây có không gian bao la hùng vĩ, quanh năm mây trắng, sương mù giăng lối, lúc nắng, lúc mưa, khí hậu ẩm ướt.

Chùa Đồng
Ảnh: Thuận Aly

Chùa Đồng được trùng tu năm 2006 và khánh thành năm 2007, hình dáng chùa như một đài sen. Chùa được đúc bằng đồng nguyên chất nặng trên 70 tấn, dài 4,6m, rộng 3,6m, chiều cao 3,35m. Đây là công trình kiến trúc văn hóa Phật giáo độc đáo và lớn nhất Đông Nam Á được làm hoàn toàn bằng đồng.

Ngoài những địa điểm tham quan kể trên, tại Yên Tử còn có rất nhiều ngôi chùa, am, đền, tháp khác. Du khách đến du lịch Yên Tử nếu có thời gian có thể tham quan và khám phá thêm. 

Ăn gì khi đi du lịch Yên Tử

Đến Yên Tử đừng quên thưởng thức những món ngon sau đây:

Chè lam

Chè lam Yên Tử vô cùng đặc biệt, nó như một loại bánh dẻo.

Rau dớn

Rau dớn loại rau đặc sản núi Yên Tử. Nộm rau dớn hay rau dớn xào tỏi đều rất ngon.

Bánh tài lồng ệp

Bánh tài lồng ệp là đặc sản của người dân tộc Sán Dìu (Quảng Ninh). Khi du lịch Yên Tử Quảng Ninh du khách sẽ có cơ hội thưởng thức món bánh có vị thơm ngọt của mật cùng màu nâu bắt mắt và cái tên nghe lạ tai này. 

Bánh tài lồng ệp
Ảnh: sưu tầm

Măng trúc tươi

Măng trúc Yên Tử thon dài, cùng với vị ngọt và độ giòn rất đặc trưng. Măng trúc có thể chế biến thành nhiều món như món xào, luộc, nhồi thịt,…

Du lịch Yên Tử ở đâu?

Một chuyến du lịch tâm linh đến Yên Tử chắc cũng làm bạn thấm mệt. Lựa chọn một nơi nghỉ ngơi hoàn hảo để xua tan mệt mỏi và tận hưởng kỳ nghỉ tuyệt vời nhé. Gợi ý một số nơi lưu trú tuyệt vời khi đến Yên Tử. 

  • Legacy Yên Tử MGallery – Resort Yên Tử đạt chuẩn 5 sao 

Địa chỉ: Thương Yên Công – Uông Bí – Quảng Ninh.

Legacy Yên Tử
Ảnh: Hạnh Hạnh
Legacy Yên Tử MGallery
Ảnh: Vy An

  • Sky Hotel

Địa chỉ: 394 Quang Trung – Yên Tử.

  • Thu Ha Hotel

Địa chỉ: 6 Trần Hưng Đạo – Thanh Sơn – TP. Uông Bí.

  • Luffy Hotel

Địa chỉ: 26 Trần Hưng Đạo – Thanh Sơn – Bí Giàng.

Trên đây là review tất tần tật về du lịch Yên Tử. Hy vọng những thông tin mà bài viết cung cấp sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm cho chuyến đi Yên tử sắp tới. Chúc các bạn có một kỳ nghỉ vui vẻ!

__

Du khách có thể tham khảo thêm các thông tin tại:

Website chính thức của Di sản Tràng An: https://disantrangan.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/disantrangan.vn

Chia sẻ những bức hình đã chụp tại: https://www.facebook.com/groups/checkintrangan

Loading...