Đặt tour, đặt phòng, mua vé máy bay, show diễn, sim quốc tế, homestay

Du lịch Nam Định – Khám phá “xứ sở nhà thờ” mang đậm kiến trúc Gothic Châu Âu

Du lịch Nam Định

Nam Định mặc dù không phải là một địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng nơi đây lại chứa đựng rất nhiều điều thú vị. Người ta vẫn thường nói với nhau rằng: Đôi khi cảm thấy “mắc kẹt” trong nhịp sống vội vã của chốn thị thành xa hoa, hãy đến ngay Nam Định, sự cổ kính, nét trầm mặc nơi đây sẽ giúp lòng bạn lắng lại, và cảm thấy thoải mái hơn. Vậy, Nam Định ở đâu? Có điều gì tuyệt vời? Cùng khám phá du lịch Nam Định qua bài viết sau! 

Du lịch Nam Định

Ảnh: sưu tầm

Đôi nét về du lịch Nam Định

Nam Định ở đâu?

Nam Định là một tỉnh thành nằm ở phía Nam của đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam. Được mệnh danh là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi in dấu một thời vàng son, là chốn sinh ra những người hiền tài của đất nước. 

Không chỉ vậy nơi đây còn được gọi là “thiên đường nhà thờ” hay “xứ sở nhà thờ” bởi có vô số nhà thờ đẹp mang kiến trúc Châu Âu độc đáo. 

Ngoài ra, đến với Nam Định bạn còn có thể ghé các khu di tích lịch sử, các bãi biển, thưởng thức các món đặc sản Nam Định,…

Di chuyển từ Hà Nội đến Nam Định

Nam Định cách Hà Nội khoảng 90km, từ Hà Nội bạn có thể lựa chọn các phương tiện để đến Nam Định như xe khách, tàu hoả, xe máy,…

Đi xe khách: Hàng ngày có rất nhiều chuyến xe đi Nam Định, bạn có thể ra bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát và bắt xe đi Nam Định với giá vé dao động chỉ từ 70.000 – 100.000 VNĐ/ lượt.

Đi tàu hoả: Bạn ra ga Hà Nội và mua vé tàu đi ga Nam Định, giá vé dao động từ 60.000 – 140.000 VNĐ/lượt tùy theo từng tàu, loại ghế cũng như di chuyển vào ngày thường hay ngày lễ. 

Du lịch Nam Đinh bằng tàu hoả
Du lịch Nam Đinh bằng tàu hoả

Đi xe máy: Phượt Nam Định bằng xe máy cũng là một trải nghiệm thú vị. Nếu đi xe máy bạn có thể lựa chọn một số tuyến đường sau:

  • Hà Nội – Văn Điển – Thường Tín – QL1A – ga Phủ Lý – đường Hồ Chí Minh – Nam Định. 
  • Hà Nội – Pháp Vân – ĐCT01 – Phủ Lý – QL21B/ Đại lộ Thiên Trường – QL10/QL38B – cầu Nam Định – ĐT490 – TP. Nam Định. 

Di chuyển bằng xe máy để tiết kiệm thời gian và tránh lạc đường, bạn nên sử dụng bản đồ Nam Định.

Di chuyển ở Nam Định

Sau khi đến Nam Định, các bạn có thể lựa chọn giữa thuê xe máy hay thuê taxi Nam Định để đi khám phá những địa điểm du lịch. 

Nên du lịch Nam Định vào thời điểm nào?

Cũng như các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ, Nam Định có khí hậu cận nhiệt đới ẩm nên thời tiết Nam Định khá dễ chịu. Bạn có thể đến Nam Định vào bất kỳ thời điểm nào bạn muốn. Đặc biệt là vào các dịp tại Nam Định có lễ hội.

Để chuyến du lịch Nam Định được thuận lợi, bạn nên xem dự báo thời tiết Nam Định. Bạn có thể theo dõi dự báo thời tiết Nam Định 7 ngày tới, 5 ngày tới, 3 ngày tới, theo giờ, dự báo thời tiết Nam Định ngày mai, dự báo thời tiết Nam Định hôm nay

Các điểm du lịch Nam Định

Đền Trần Nam Định

Đền Trần nằm tại phường Lộc Vượng, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định. Nơi đây là nơi thờ 14 vị vua nhà Trần cùng với gia quyến, và các quan lại có công phù tá. 

Đền Trần Nam Định

Ảnh: sưu tầm

Khu di tích Đền Trần Nam Định nổi tiếng với Lễ khai ấn Đền Trần đầu xuân và Lễ hội Đền Trần được tổ chức trong các ngày từ ngày 15 – 20 tháng 8 âm lịch hàng năm. Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách gần xa tới tham dự, tri ân công đức của các vị vua Trần, cầu mong những điều may mắn tốt lành trong cuộc sống. 

Lễ khai ấn đền Trần

Lễ Khai ấn đền Trần Nam Định là một trong những lễ hội xuân lớn nhất cả nước. Lễ khai ấn đền Trần được tổ chức vào đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, vào ngày khai ấn, hàng nghìn du khách thập phương đổ về dự lễ với mong muốn gặp nhiều may mắn, công việc suôn sẻ cả năm.

Lễ Khai ấn đền Trần Nam Định năm 2020 và 2021 không được tổ chức vì dịch Covid-19, các tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách theo chỉ thị của Chính phủ, tránh tập trung đông người.

Ý nghĩa lễ khai ấn đền Trần

Lễ khai ấn đầu tiên được bắt đầu vào thời đại nhà Trần vào khoảng thế kỷ thứ XIII, vào những năm 1239. Đây là nghi lễ tế tổ tiên của dòng họ nhà Trần. Vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những vị quan có công với triều đình tại Phủ Thiên Trường. 

Từ đó lễ khai ấn Đền Trần được cố định thường niên vào ngày rằm tháng Giêng lúc 11 giờ đêm ngày 14 đến 1 giờ sáng ngày 15. Đây cũng được coi là tín hiệu nhắc nhở kết thúc những ngày Tết cổ truyền dân tộc để tiếp tục công cuộc lao động sản xuất.

Ấn Đền Trần không phải để cầu thăng quan tiến chức

Có một tín ngưỡng rất nhân văn, phổ biến trong tâm trí của người Việt là bất cứ ấn phẩm nào được lấy từ đền, chùa đầu năm mới chính là ước vọng cho bản thân và gia đình gặp bình an, may mắn trong năm. Lá ấn Đền Trần cũng có ý nghĩa như vậy.

Từ sự bình an, may mắn, ta sẽ có sức khỏe tốt, học tập công tác tốt thì từ đó mình sẽ được cấp trên yêu mến. Điều đó ai cũng mong muốn. Còn ý nghĩa của lá ấn không phải là để cầu được thăng quan tiến chức.

Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững.

Nghi lễ khai ấn với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần “Tích phúc vô cương”; cầu mong mọi người bước sang năm mới mạnh khoẻ, lao động, sản xuất hăng say, học tập, công tác tốt.

Một số quan niệm cho rằng lấy ấn đền Trần để thăng quan, tiến chức, tăng tài lộc là hiểu sai ý nghĩa nhân văn, giá trị cốt lõi mà nghi lễ phát ấn đền Trần của ông cha từ xa xưa để lại. Bản chất của việc may mắn, hay tài lộc trong công việc, kinh doanh vẫn phải là thái độ làm việc chăm chỉ, cần cù, cầu tiến và óc sáng tạo, đổi mới liên tục bắt kịp theo thời cuộc.

Chợ Viềng Nam Định

Phiên chợ Viềng (hay còn gọi là chợ Viềng Phủ), diễn ra tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định. Đây là phiên chợ Xuân được tổ chức vào đêm mùng 7, ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm. Phiên chợ mang ý nghĩa “bán rủi, mua may”, thu hút rất nhiều du khách đi trẩy hội mùa xuân đầu năm.

Tại chợ Viềng, nhiều mặt hàng được bày bán, từ cây cảnh, cây giống, hay dụng cụ lao động đến các loại thực phẩm, đồ cũ,…

Phiên chợ Viềng

Ảnh: sưu tầm

Ngoài ra tại Nam Định còn có một số chợ Viềng khác như:

  • Chợ Viềng (thường được gọi là chợ Viềng Tỉnh, chợ Viềng Chùa) gần chùa Bi, huyện Nam Trực, Nam Định.
  • Chợ Viềng xã Mỹ Trung, Mỹ Lộc, Nam Định. Chợ này nay chỉ tồn tại như một địa danh.
  • Chợ Viềng (hay còn gọi chợ Viềng Lạng), thôn Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng, Nam Định. Chợ họp vào ngày mùng 7 Tết nhưng nay rất ít người biết tới.

Các nhà thờ ở Nam Định

Nam Định là một trong những tỉnh có nhiều nhà thờ đẹp nhất nước ta. Các công trình tôn giáo ở đây mang đậm kiến trúc Gothic, mang đậm nét cổ điển. Đến Nam Định ghé thăm các nhà thờ ngỡ như mình đang “lạc bước giữa trời Âu”. Cùng điểm qua một số nhà thờ ở Nam Định được nhiều du khách ghé đến “check in”.

  • Tòa giám mục Bùi Chu

Tòa giám mục Bùi Chu

Ảnh: Dungdung Nguyen

Toà giám mục Bùi Chu nằm tại xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, Hải Hậu. Nhà thờ đã có từ những năm 1885, tồn tại với thời gian hơn 100 năm, đến nay toà giám mục vẫn uy nghiêm và bề thế. Với chiều rộng 22m, dài 78m và cao 15m, nơi đây là nơi gắn liền nhiều sự kiện quan trọng. 

  • Đền Thánh Kiên Lao

Đền Thánh Kiên Lao

Ảnh: Ánh Nguyệt

Nhà thờ Đền thánh Kiên Lao nằm tại xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, Nam Định. Đền Thánh có chiều dài 75m, rộng 26m, cao 28m và có cả tháp chuông cao 46m. Hai bên nhà thờ có hồ nước, những dãy đèn đường trang nghiêm, và hiện lên nét đẹp thơ mộng.

  • Nhà thờ giáo xứ Triệu Thông

giáo xứ Triệu Thông

Ảnh: Ánh Nguyệt

Du lịch Nam Định – Giáo xứ Triệu Thông nằm ở ngay xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, Nam Định. Nhà thờ được xây dựng năm 1941 có kích thước dài 41m, rộng 14m, cao 8 m. Hai tháp chuông xây năm 2006 cao 30m. Với tông màu vàng bắt mắt nhà thờ cũng là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi có dịp đến với Nam Định. 

  • Nhà thờ giáo xứ Xuân Dục

giáo xứ Xuân Dục

Ảnh: Ánh Nguyệt

Du lịch Nam Định – Giáo xứ Xuân Dục nằm tại xã Xuân Ninh, Xuân Trường, Nam Định. Là một trong những nhà thờ đẹp ở Nam Định, nhà thờ Xuân Dục mang đậm kiến trúc châu Âu. Lối kiến trúc xây dựng theo kiểu Basilica (vương cung thánh đường) đặc trưng.

  • Nhà thờ giáo xứ Hưng Nghĩa

giáo xứ Hưng Nghĩa - Du lịch Nam Định

Ảnh: Hải Yến

Nhà thờ giáo xứ Hưng Nghĩa nằm ở xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, Nam Định. Nhà thờ có kiến trúc Gothic, mang tông màu tối đậm thể hiện rõ dấu ấn cổ điển. Nhiều người vẫn gọi đây là một “lâu đài băng giá” có tuổi đời hàng trăm năm. 

  • Nhà thờ đổ Hải Lý

Nhà thờ đổ Hải Lý

Ảnh: Long Leo

Nhà thờ thuộc xã Văn Lý, huyện Hải Hậu, Nam Định. Hiện nay, nhà thờ đổ Hải Lý là một công trình bị bỏ hoang, chỉ còn khung bên ngoài. Tuy nhiên, vẻ điêu tàn cùng bức tường gạch đổ nát vẫn khiến nó trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch khi tới tham quan bãi biển Hải Lý.

Du lịch Nam Định – Du lịch biển

Bãi biển Thịnh Long

Từ TP. Nam Định theo đường 21 đến thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, nơi đây có bãi tắm Thịnh Long thu hút đông đảo khách du lịch. 

Bãi biển Thịnh Long
Bãi biển Thịnh Long – du lịch Nam Định

Biển Thịnh Long vẫn mang vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu luôn mát mẻ, êm đềm và thơ mộng. Ngoài ra, nước biển sạch có cát mịn, thoải dài, biển có độ mặn cao, sóng lớn hấp dẫn du khách vào mùa hè oi bức.

Biển Quất Lâm – Du lịch Nam Định

Biển Quất Lâm trải dài 4km, biển được phân thành 10 bãi nhỏ với 110 ki ốt phục vụ các dịch vụ tắm biển. Có hàng chục nhà nghỉ, khách sạn phục vụ hơn 1.000 phòng nghỉ cao cấp, đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của khách du lịch.

Khi đến với Quất Lâm, bạn không những được thoả sức tắm biển mà còn có dịp du lịch vườn quốc gia Xuân Thủy, hah tận tay làm muối cùng những người dân miền biển. 

Biển Hải Hậu

Bờ biển Hải Hậu dài khoảng 33 km, kéo dài từ thị trấn Quất Lâm cho đến bãi tắm Hải Thịnh. Nơi đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ, thích hợp cho những người muốn tìm đến sự yên tĩnh.

Các dịch vụ nghỉ dưỡng ở biển Hải Hậu phục vụ rất tốt và đa dạng như: tắm biển, xông hơi, nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi thể thao,…

"Biển

Ẩm thực, đặc sản khi du lịch Nam Định

Đặc sản Nam Định có rất nhiều, du khách đến với Nam Định có thể thỏa sức khám phá vô vàn món ngon như:

Bánh Xíu Páo

Bánh Xíu Páo với vỏ bánh vàng ươm, nhân bùi bùi béo ngậy, dậy mùi thơm của thịt và tiêu xay. Tất cả các vị hòa quyện vào nhau khiến bánh Xíu Páo trở thành món quà vặt thú vị.

"Bánh

Bánh gai bà Thi

Bánh gai bà Thi đặc sản cổ truyền Nam Định. Bánh gai thì ở đâu cũng có nhưng bánh gai bà Thi Nam Định lại mang hương vị hấp dẫn khác biết. Nhân bánh vàng ươm thơm mùi đỗ xanh, ngậy vị mỡ và dừa, vỏ bánh dẻo thơm, chắc chắn là món ngon vừa ăn tại chỗ vừa có thể mua về làm quà. 

Nem mắm Giao Thuỷ

Là những người con Nam Định, khi nhắc đến nem nắm Giao Thuỷ chắc hẳn ai cũng biết và đã từng thử ít nhất một lần trong đời. Món ăn trở thành đặc sản nức tiếng gần xa, một thời đã được làm món ăn tiến cống lên vua. Đến Nam Định bạn đừng quên thưởng thức món nem mắm Giao Thuỷ nhé. 

Nem mắm Giao Thuỷ
Nem mắm Giao Thuỷ – du lịch Nam Định

Ngoài những món ăn kể trên bạn có thể thưởng thức thêm nhiều món ăn khác tại Nam Định như: bánh nhãn Hải Hậu, bánh đậu xanh Hanh Tụ, phở bò Nam Định, kẹo sìu châu, chè kho, bún đũa,…

Lưu trú, khách sạn tại Nam Định

Đi du lịch Nam Định bạn không phải lo về nơi ăn uống hay nghỉ ngơi. Tại đây có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn với giá cả hợp lý, chất lượng dịch vụ tốt để bạn lựa nghỉ ngơi. Tham khảo một số nhà nghỉ, khách sạn Nam Định sau: Nam Cuong Nam Dinh Hotel, Malisa Hotel, nhà nghỉ Trà My, khách sạn Wiltons,…

Trên đây là tổng hợp những địa điểm vui chơi, chụp hình, ăn uống, nghỉ ngơi,… về du lịch Nam Định. Hi vọng với những thông tin trên các bạn sẽ có thêm hành trang cho chuyến tham quan, du lịch Nam Định sắp tới. Chúc các bạn có chuyến đi vui vẻ!

__

Du khách có thể tham khảo thêm các thông tin tại:

Website chính thức của Di sản Tràng An: https://disantrangan.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/disantrangan.vn

Chia sẻ những bức hình đã chụp tại: https://www.facebook.com/groups/checkintrangan