Đặt tour, đặt phòng, mua vé máy bay, show diễn, sim quốc tế, homestay

Khám phá chùa Vàng, chùa Bạc, núi Kỳ Lân Ninh Bình

Đến với du lịch Ninh Bình, du khách sẽ không khỏi thích thú với những địa danh có tên vô cùng độc đáo nhưng không kém phần linh thiêng như chùa Vàng, chùa Bạc, núi Kỳ Lân. Hãy cùng khám phá 3 địa điểm này nhé!

Chùa Vàng Ninh Bình

Chùa Vàng ở đâu?

Đảo chùa Vàng Ninh Bình nằm ngay trên trục đường Tràng An dẫn vào Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An. Nếu đi từ cổng chào Tràng An (cổng 2 con voi), du khách có thể thấy chùa Vàng nằm bên tay phải. Còn ở chiều người lại, sẽ thấy ngôi chùa này nằm bên tay trái. Gọi là đảo chùa Vàng vì cách duy nhất có thể vãn cảnh chùa là đi thuyền ra giữa hồ cá Voi.

Chùa Vàng Ninh BInh
Chùa Vàng Ninh BInh

Chùa Vàng mới được đưa vào phục vụ khách du lịch, phật tử và người dân từ tháng 3 năm 2018. 

Vị trí trên bản đồ du lịch Ninh Bình của Chùa Vàng là nằm ở giữa hồ Cá Voi ở phía Tây thành phố, một bên giáp với trục đường Tràng An, một bên giáp với xã Ninh Nhất. Chùa Vàng được xây dựng trên một hòn đảo có diện tích 28 ha.

Đảo chùa Vàng là một quần thể gồm 3 ngôi chùa nhỏ, xung quanh là khuôn viên nhiều cây xanh. Chùa Vàng hiện nay được xây dựng dựa trên kiến trúc cũ của chùa Bát Long do vua Lê Đại Hành tạo nên cách đây hơn 1.000 năm.

Trước kia, Chùa Bát Long nguyên là nơi thờ 8 vị xưng Vua thời 12 xứ quân là Ngô Xương Xí, Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Bạch Hổ, Kiều Công Hãn, Nguyễn Khoan, Nguyễn Siêu, Nguyễn Thủ Tiệp, Kiều Thuận.

Do đó, Chùa Vàng được xây trên bệ đá xanh hình bát giác 8 cạnh đều nhau, quay ra 8 hướng tượng trưng thờ 8 vị xưng Vua nói trên.

Chùa vàng Ninh Binh
Chùa Vàng Ninh BInh

Chùa được xây toàn bộ bằng gỗ lim xung quanh bằng bệ đá xanh kiên cố. Trong thời gian tới, chùa Vàng sẽ được “dát vàng” toàn bộ để mang lại cảnh quan lộng lẫy và mang đúng thần thái của cái tên “chùa Vàng”.

Tới vãn cảnh chùa, là lạc vào chốn tiên cảnh có nước xanh, mây trắng, núi hùng vĩ, trời bao la; là lạc giữa vườn thượng uyển với vô vàn các loài cây tuyệt đẹp.

Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, chùa Vàng hiện ra lung linh giữa màn đêm tĩnh mịch, du khách sẽ được tận thưởng một không gian Phật giáo thanh tịnh mà huyền bí, được chiêm ngưỡng mặt nước êm đềm lấp loáng soi bóng quả núi nhỏ có hình dáng giống một chú cá voi xinh xắn.

Chùa Bạc – núi Kỳ Lân Ninh Bình

Núi Kỳ Lân ở đâu

Núi Kỳ Lân là một hòn đảo núi nằm ở vị trí trung tâm thành phố Ninh Bình thuộc địa phận phường Tân Thành, cạnh quốc lộ 1A và đại lộ Tràng An nối trung tâm thành phố đi các khu du lịch Tràng An – Hoa Lư – chùa Bái Đính.

Núi tên là Kỳ Lân vì có hình đầu con lân nhìn về phía Bắc. Núi cao trên 50 m và phía Bắc sườn núi hõm vào tạo thành một cái hàm con lân. Xung quanh là những vách núi nhấp nhô, cây cối mọc xanh um như bờm và râu của con lân.

Có hai cây cầu nối từ hai phía vào đảo Kỳ Lân. Một cây cầu vòm bằng đá, bảy nhịp, mặt cầu rộng 2m, dài trên 22m, cao 4m bắc qua sông Tràng An vào núi ở phía nam. Cây cầu còn lại cũng bằng đá nhưng nhỏ hơn và không có lan can được bố trí ở phía Bắc.

Chùa Bạc - núi Kỳ Lân Ninh Bình
Chùa Bạc – núi Kỳ Lân Ninh Bình

Núi Kỳ Lân như một hòn non bộ do thiên nhiên tạo dựng giữa lòng sông Tràng An – một vườn cảnh thiên nhiên độc đáo với hàng trăm cây cảnh: lộc vừng, ruối,đa, chân chim, xanh trắng, si đỏ, đại vàng, thiên tuế, vạn tuế… Ngoài ra còn nhiều cây và dây leo trổ hoa mầu sắc đan xen với núi đá.

Ở đây có một số loài chim, thú nhỏ quý hiếm. Đó chính là một vườn tiên ở hạ giới đủ sắc mầu, đường nét, âm thanh. Trên núi có những ngọn tháp cổ ẩn hiện trong màu xanh um tùm của cây lá. 

Núi Kỳ Lân nhỏ nhưng có tới 5 cái hang. Hang Tối dài 10m, hang Sáng dài khoảng 30m chạy xuyên qua núi theo hướng Bắc – Nam.

Hai bên thành hang, đá dựng đứng, phẳng lỳ như một giao thông hào rộng có thể đi lại qua được. Hang Ngang ở ngang núi có độ sâu 8m, hang Đền ở sát cạnh ngôi đền thờ bà Quận Chúa ở phía Tây-Bắc.

Hang Trung là hang ở lưng trừng núi, sâu khoảng 10m, rộng mênh mông có thể chứa được cả trăm người.

Núi Kỳ Lân là nơi còn lưu dấu những gì đặc trưng nhất của những đợt biển tiến, ngấn sóng biển còn rất rõ nét, cho phép nhận biết ở đây có nhiều giai đoạn bị biển xâm thực.

Đặc biệt hơn nữa trên những ngấn sóng biển ở đây còn xuất lộ lớp trầm tích có chứa xương động vật, vỏ nhuyễn thể biển, đây là cứ liệu hết sức quan trọng cho phép xác định tuổi, quá trình biển tiến lùi.

Sông Tràng An đoạn quanh núi cũng là một nơi câu cá nước ngọt do nó được điều hòa mực nước bằng đường ống ngầm nối thông với sông Đáy.

Chùa Bạc - núi Kỳ Lân Ninh Bình
Chùa Bạc – núi Kỳ Lân Ninh Bình

Xung quanh sông được xây dựng, kè mới và trồng cây tạo thành một tuyến vui chơi giải trí giữa lòng đô thị du lịch Ninh Bình.

Cùng với công viên núi Non Nước và công viên sông Vân, núi Kỳ Lân là một điểm du lịch giải trí ở trung tâm thành phố Ninh Bình.

Núi Kỳ Lân cùng với ba ngọn núi khác là núi Ngọc Mỹ Nhân, núi Non Nước và núi Lớ được xem là tứ đại danh sơn của thành phố Ninh Bình. 

Theo quy hoạch công viên văn hóa Tràng An, hồ Kỳ Lân cũ được đào nối thông tới sông Sào Khê thành một con sông cạnh đại lộ Tràng An được gọi là sông Tràng An. Khu vực gần núi Kỳ Lân trở thành trung tâm đón tiếp của công viên Tràng An.

Chùa Bạc ở đâu?

Nằm trên sông Tràng An chính là chùa Bạc Ninh Bình. Ngôi chùa mới được xây dựng thời gian gần đây, cùng những đài hoa sen nhận tạo tô điểm cho thành phố thêm phần lung linh, huyền ảo khi du lịch Ninh Bình vào buổi tối. Ở đây có thể định hướng phát triển du lịch đêm của quần thể danh thắng Tràng An.

Chùa Bạc - núi Kỳ Lân Ninh Bình
Chùa Bạc – núi Kỳ Lân Ninh Bình

Cùng với chùa Bái Đính, Tràng An, hang Múa, cố đô Hoa Lư, Tam Cốc – Bích động và các điểm du lịch khác, thời gian tới, chùa Vàng – Hồ Cá Voi, chùa Bạc – hồ Kỳ Lân sẽ là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

__

Du khách có thể tham khảo thêm các thông tin tại:

Website chính thức của Di sản Tràng An: https://disantrangan.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/disantrangan.vn

Chia sẻ những bức hình đã chụp tại: https://www.facebook.com/groups/checkintrangan

Loading...