Các địa điểm tâm linh tại Tràng An
Các địa điểm tâm linh tại Tràng An – Ngoài phong cảnh hữu tình, nên thơ phù hợp với những chuyến đi thiên về thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên, KDL Sinh thái Tràng An còn chứa đựng những câu chuyện truyền thuyết dân gian, gắn liền với các địa điểm tâm linh, làm phong phú hơn trải nghiệm của du khách thập phương khi đến với vùng đất địa kinh nhân kiệt.
Bài viết này sẽ giới thiệu cho các du khách về các địa điểm tâm linh nằm trong KDL Sinh thái Tràng An.
- Xem thêm: Du lịch tâm linh hiểu sao cho đúng? Những địa điểm tâm linh tại Việt Nam
- Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Tràng An Ninh Bình
Đền Trình
Từ bến thuyền, điểm đến đầu tiên là đền Trình hay còn gọi là phủ Đột nơi thờ 2 vị tướng triều Đinh, có tước hiệu “Tả Thanh Trù”, “Hữu Thanh Trù” và “Tứ Trụ triều đình” , Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ. Đây là bốn vị công thần cũng với Vua Đinh Tiên Hoàng đã dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước lập nước Đại Cồ Việt.
Tương truyền rằng khi triều đình loạn lạc hai vị tướng đã cùng các bậc trung thần đem ấu chúa Đinh Toàn mới 6 tuổi vào ẩn trong thung hang “Tối Trong”. Sau này hai vị tướng đó qua đời, nhân dân cố đô đã lập phủ thờ để ghi nhớ tấm lòng trung nghĩa của hai vị tướng này.
Hàng năm, những người dân canh nông khi qua đây vẫn nhớ kính lễ thắp hương tưởng nhớ các ngài và họ tin rằng làm như thế thì năm đó những cây trồng của họ sẽ tránh được sâu bệnh và được mùa.
Phía trước đền có 2 con cá chép đá cỡ lớn, phía dưới có rất nhiều cá chép được người trông coi đền (từ đền) cho ăn thường xuyên.
Đền Trần – địa điểm tâm linh tại Tràng An
Trước kia đường lên đền Trần, chỉ là lối mòn còn rất gập gềnh mấp mô, đi lại rất khó khăn. Nhưng từ khi có dự án du lịch, nên đường leo núi lên đền đã được kè bậc chỉnh chu, đẹp đẽ như hiện nay. Từ bến thuyền, du khách mất khoảng 20 phút, leo qua 175 bậc đá là đến đỉnh sau đó xuống dốc sẽ vào đền Trần.
Đền là nơi thờ thánh Quý Minh Đại Vương – Một trong hai vị tướng trấn ải sứ Sơn Nam và Hoàng phi quý nương nương là phu nhân của ông. Đây là một ngôi đền có từ rất lâu rồi, đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 được tu sửa lại, ngôi đền rất linh thiêng, là nơi mà người dân địa phương và khách thập phương thường đến cầu an, cầu phúc, cầu tự.
Ngôi đền tuy nhỏ nhưng ẩn chứa rất nhiều giá trị nghệ thuật chạm khắc đặc sắc trên đá được thể hiện trên các xà ngang, bậc cửa, cột và mái hiên của đền.
Quý khách có thể quan sát thấy những nét chạm khắc tinh vi trên đá của các nghệ nhân xưa đặc biệt trên 4 cột phía ngoài được chạm theo tích tứ linh có Long, Ly Quy và Phương; Long đại diện cho quyền lực, Ly đại diện cho sự may mắn cát tường, Rùa thể hiên cho sự trương tồn vĩnh cửu còn Phượng thể hiện cho sự thanh cao thoát tục.
Du khách có thể đã được chiêm ngưỡng những nét tài hoa trên chạm khắc đá tại các cột đá tròn, vuông cao to ở một số đền và đình nhưng chạm khắc trên các cột vuông nhỏ thì có lẽ mới chỉ tìm thấy ở nơi này.
Nét độc đáo là ở chỗ, nếu các cột đá khác chỉ chạm khắc nổi có một phân, thì các cột đá này lại chạm khắc boong kênh và chạm lộng, thông phong 8 phân, có chỗ nổi cao lên đến 10 phân.
Những cụ chim phượng hay cá hoá long tại đây được chạm nổi rất nhỏ thân chỉ bằng ngón tay cái nhưng có đủ đầu, mỏ, đuôi, cánh, chân, nếu đứng từ xa quan sát thì chỉ thấy rồng uốn lượn, nhưng khi đến gần ngắm kỹ mới phát hiện được những chạm khắc nhỏ tinh vi này.
Đây là những khối đá có hồn,sống động độc nhất vô nhị, thể hiện tinh hoa tài tình của các nghệ nhân dân gian làng đá ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Cũng nói thêm về các cột đá này, có truyền thuyết kể rằng: Trước đây đền được xây dựng sơ sài trên nền đất trong “toà si bẩy mẫu”, nhưng cứ đến mùa nước lũ là đền bị ngập nên nhân dân xã Ninh Hải đã chuyển đền về đây.
Khi nhân dân thôn Văn Lâm làm các cột đá để xây dựng lại đền, sau khi thắp hương lễ khấn thần xong, mặc dù cột đá rất nặng có kích thước 15cm x 15cm, cao 2m nhưng kỳ lạ thay, khi mỗi người vác một cột đá này đi qua 3 cái quèn vào đền dễ dàng mà không thấy nặng.
Phủ Khống – chùa Báo Hiếu
Sau khi đi qua hang Ba Giọt, du khách tiếp tục đi qua hang Seo dài 100m và hang Sơn Dương dài 250 mét, đến Thung Khống rộng khoảng 92.567m2, nơi có phủ Khống.
Phủ Khống là nơi thờ một vị quan trấn ải phía nam kinh đô thời Đinh, có tước là Đinh Công Tiết Chế. Tục truyền rằng: khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình đã đúc 100 chiếc quan tài bằng đồng, trong đó có một chiếc để thi hài của vua Đinh Tiên Hoàng.
Trong triều lúc đó có 7 vị quan trung thần đã tự tay khâm liêm Vua Đinh Tiên Hoàng. Khâm liệm xong, họ bí mật chuyển qua một cửa cung điện đưa 100 chiếc quan tài đó ra ngoài kinh đô chôn cất theo 4 hương Đông, Tây, Nam, Bắc. Bẩy vị quan trung thần sau khi chôn cất xong, đồng tình uống rượu độc tự vẫn để mang đi theo điều bí mật về những chiếc quan tài.
Vị quan trấn ải thung Khống ở phía nam kinh đô nghe tin vô cùng thương tiếc 7 vị quan trung thần, nên đã lập bát hương thờ 7 vị quan trung thần đó trên một tảng đá và trồng bên cạnh một cây thị.
Thời gian sau, ông cũng qua đời. Cảm kích tấm lòng trung nghĩa của ông nên sau đó nhân dân Hoa Lư đã xây dựng một ngôi đền nhỏ bên cạnh hang Khống để thờ phụng và đặt tên là phủ Khống.
Hiện nay bên cạnh phủ Khống vẫn còn một cây thị có niên đại khoảng nghìn năm tuổi, cây mọc trên một gò đá, quý khách có thể thấy, cây tuy nhỏ nhưng rễ của cây liền thành từng mảng bao trùm kín trên tảng đá với diện tích khoảng 10m2, chứng tỏ cây thị này phải có từ rất lâu rồi.
Cây thị trước phủ tương truyền là cây thị được trồng để đánh dấu nơi thờ bẩy vị quan đại thần, điều độc đáo là cây thị này lại cho ra hai loại quả đan xen nhau ở các cành: một loại quả tròn bình thường như các quả thị khác có hạt và một loại quả dẹt không có hạt thị chín nhiều chủ yếu vào trung tuần tháng 8 ngày giỗ vua Đinh Tiên Hoàng.
Rời Phủ Khống, du khách tiếp tục đi theo lối mòn sau phủ, sang tham quan Thiên Phúc Tự hay dân gian quen gọi là Báo Hiếu, chùa được trùng tu xây dựng dựa trên nền chùa cũ, cánh cửa chùa luôn mở rộng chào đón du khách về đây cầu nguyện cho mẹ cha, cho gia quyến,và mở rông tấm lòng cầu siêu sinh tịnh độ cho các anh hùng liệt sỹ tương sỹ trận vong, đồng bào tử nạn.
Sau khi làm lề song mời quý khách xuống thuyền du ngoạn ngắm cảnh đẹp hùng vĩ của núi non, sông nước Tràng An, khám phá tiếp những nét đẹp độc đáo, nguyên sơ tại đây chính là kho quân sự, xưởng sản xuất vũ khí trong cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ của Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình.
Đền Cao Sơn – địa điểm tâm linh tại Tràng An
Đây là ngôi đền mới được đầu tư xây dựng, thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần. Tương truyền rằng Đinh Bộ Lĩnh từ thuở còn hàn vi đã được mẹ đưa vào sống cạnh đền sơn thần trong động ở vùng núi này. Khi xây dựng kinh đô Hoa Lư, Đinh Tiên Hoàng Đế cũng cho xây dựng 3 ngôi đền để thờ các vị thần trấn giữ ở 3 vòng thành mà dân gian gọi là Hoa Lư tứ trấn.
Theo đó, thần Thiên Tôn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Đông, thần Quý Minh trấn giữ cửa ngõ vào thành Nam và thần Cao Sơn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Tây. Ngôi đền thần Cao Sơn hiện tại được xây dựng có thế tựa lưng vào núi, thung lũng nước ở phía trước. Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn là một trong 50 người con của Lạc Long Quân – Âu Cơ.
Theo như thần phả của đền núi Hầu (xã Yên Thắng, Yên Mô, Ninh Bình) thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân, khi đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng ở hành cung Vũ Lâm, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây Búng Báng).
Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập đền thờ trong khu chùa cổ Bái Đính. Thần Cao Sơn cùng với thần Thiên Tôn và thần Quý Minh là ba vị thần trấn ngự ở ba cửa ngõ phía Tây, Đông và Nam của Cố đô Hoa Lư.
Hành Cung Vũ Lâm – địa điểm tâm linh tại Tràng An
Qua hang Đại, dukhách đến cụm tâm linh đặc biệt Hành Cung Vũ Lâm. Đây là nơi các vua nhà Trần lập căn cứ địa để củng cố lực lượng, tích trữ lương thảo, rèn luyện binh khí và chờ cơ hội phản công chống giặc Nguyên Mông thế kỷ 13. Nằm ngay trong vùng núi thành Nam của kinh đô Hoa Lư xưa.
Các vua đầu nhà Trần lập căn cứ địa ở Vũ Lâm để củng cố lực lượng, phản công giải phóng Đại Việt trong cuộc kháng chiến đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai. Nơi đây còn gắn với sự kiện các vua Trần xuất gia tu hành, mở mang phật giáo.
Vua Trần Thái Tông là người ưa Thần Phật, sùng Tiên Thánh, thích đi vân du để tìm vẻ đẹp của giang sơn đất nước, tìm nơi tĩnh lặng để tu thiền. Trên con đường phi mã thiên lý Bắc – Nam, khi đi qua đất Tràng An – Ninh Bình, nhìn về phía Tây, ngài thấy dải Phi Vân Sơn hùng vĩ, phía dưới là sông ngòi uốn khúc, phía trong lại có các hang xuyên thủy nối liền.
Say đắm cảnh nước lạ, núi đẹp, ngài đã sai người dựng am để tu hành, mở đầu cho việc xây dựng Hành Cung Vũ Lâm. Cũng ngay thời điểm đó, Thượng Hoàng Trần Thái Tông đã nhận ra địa thế hiểm yếu của khu vực rừng núi Ninh Bình với hệ thống sông ngòi dày đặc liên thông với khu vực hành cung Thiên Trường – Nam Định.
Hơn thế, với hệ thống núi đá vôi dày đặc, rừng cây rậm rạp dễ phòng thủ, khó tiến công, là một nơi đắc địa để xây dựng căn cứ phòng thủ lâu dài, có thể rút quân từ Thăng Long và Thiên Trường về đây theo đường sông trong trường hợp bị truy kích. Địa thế hiểm trở với sông nước có thể dễ dàng khóa chân vó ngựa quân Nguyên Mông vốn chỉ quen chinh chiến trên những vùng thảo nguyên rộng lớn.
Với tầm nhìn ấy của Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông, Hành Cung Vũ Lâm đã không chỉ là nơi tu thiền mà còn là căn cứ địa vững chắc của quân dân thời Trần, có thể tiến hành chiến đấu trong thời gian dài.
Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1258) vua Trần Thái Tông 40 tuổi, đã nhường ngôi cho con và trở về vùng núi Trường Yên lập am thái tử để tu hành, mở đầu cho việc xây dựng hành cung Vũ Lâm. Vua Trần Thái Tông (1255 – 1258) đã dựng một am nhỏ trên vạt đất cao gần Hang Cả của khu danh lam thắng cảnh (Tam Cốc) làm nơi tu hành.
Nơi đây vẫn còn di tích một khu đất rộng khoảng hơn một sào, cao hơn mặt ruộng được gọi là Vườn Am. Nhà vua đã cho dựng am Thái Vi ở đây, chiêu mộ dân lưu tán đến để khai hoang lập ấp, mở mang đường giao thông, tôn tạo những nơi xung yếu, chuẩn bị sẵn sàng với tình thế khẩn trương, một khi chiến tranh chống quân xâm lược lại nổ ra.
Nhiều cuộc họp quan trọng của triều đình, dưới sự chủ trì của vua Trần Thái Tông đã được tổ chức ở đây. Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai năm 1285, khu Hành Cung Vũ Lâm trở thành căn cứ địa vững chắc của quân dân nhà Trần.
Ngày 3 tháng 5 năm Ất Dậu (7-5-1285), hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã đánh tan một bộ phận quân Mông – Nguyên ở đây, “chém đầu giặc không kể xiết”. Trận đánh quân Mông – Nguyên diễn ra tại thung lũng đá vôi Thiện Dưỡng.
Ở giữa thung lũng đá vôi Thiện Dưỡng nói trên, có cánh đồng “Cửa Mả” và gần đó có thung lũng “Mồ” vì có nhiều mồ mả nên nhân dân địa phương gọi thung lũng này là “đất chiến địa”. Trận đánh quân Mông -Nguyên ở phủ Trường Yên vào ngày 7-5-1285 đã góp phần nhanh chóng quét sạch quân Mông – Nguyên ra khỏi đất Đại Việt một lần nữa cho thấy Trường Yên không chỉ là đất đế đô mà còn là đất chiến địa.
Di tích Hành Cung Vũ Lâm hiện nay phân bố rộng khắp trong 4 xã: Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân và Ninh Vân huyện Hoa Lư, thuộc khu vực phía nam của quần thể danh thắng Tràng An.
Cũng giống như cố đô Hoa Lư, Hành Cung Vũ Lâm gồm cả vùng núi non hang động Tràng An được tô điểm thêm bằng những di tích lịch sử. Trải ra trên một địa bàn khá rộng, khu di tích Hành Cung Vũ Lâm bao gồm nhiều di tích lịch sử như: Cửa Quan, Hành Cung, Cống Rồng, Tuân Cáo, Vườn Kho, v.v…
Ngày nay, những tên đất, tên làng ở vùng đất Văn Lâm còn in đậm dấu ấn lịch sử thời ấy. Đó là cánh đồng Trường Thi nơi tập trận, Bến Thánh là bến thuyền tập kết thủy quân, làng Thiện Trạo (chèo thuyền giỏi), làng Hạ Trạo (gác chèo) ở xã Ninh Thắng là nơi gác chèo khi vào đến Hành cung.
Đó là làng Tuân Cáo, nơi các quan vào trình báo nhà vua; làng Hành Cung, là nơi ở của Vua. Những địa điểm như Thái Vi – Thung Nham (xã Ninh Hải); Hành Cung – Khả Lương – Tuân Cáo – Hạ Trạo (xã Ninh Thắng) và Khê Đầu, Bộ đầu, Hệ Dưỡng (xã Ninh Vân) đều là những địa danh có liên quan trực tiếp đến cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên năm 1285.
Điểm tham quan đầu tiên trong cụm di tích Hành Cung Vũ Lâm là đền thờ các vị vua Trần ở thế kỷ 13, một trong những vương triều hùng mạnh và thịnh trị của chế độ phong kiến Việt Nam.
Với 175 năm tồn tại và phát triển, vương triều Trần đã có những thành tựu to lớn về nhiều mặt, nhưng nổi bật nhất là chiến công hiển hách ba lần chiến thắng quân Nguyên – Mông.
Đền thờ 6 vị vua nhà Trần, là những vị đã từng có dấu ấn, từng lui binh về đây và từng về đây tu hành: Vua Trần Thái Tông, Vua Trần Thánh Tông, Vua Trần Nhân Tông, Vua Trần Anh Tông, Vua Trần Minh Tông, Vua Trần Nghệ Tông
Điểm tham quan thứ hai trong cụm di tích Hành cung Vũ Lâm là đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – một vị tướng lừng danh của nhà Trần cũng như lịch sử nước ta. Trần Hưng Đạo (1228-1300) là một danh nhân kiệt xuất của dân tộc đồng thời là danh nhân quân sự cổ kim của thế giới. Trong đời mình, ông đã trải qua một lần gia biến, 3 lần nạn nước.
Năm 1257, quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần đầu, ông được cử cầm quân giữ biên thùy phía Bắc. Ba chục năm sau, trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287 – 1288), ông lại được đề bạt làm tiết chế thống lĩnh toàn quân và đã giành thắng lợi lẫy lừng.
Ông là người đã hiến kế “vườn không nhà trống”, lui binh từ kinh thành Thăng Long về Hành cung Vũ Lâm tránh cho nhà Trần những tổn thất lớn, và tạo thời cơ bẻ gãy lực lượng của địch.
Ông là một bậc tướng gồm đủ tài và đức, không những là một công thần của nhà Trần mà còn là một anh hùng lớn của dân tộc. Trần Hưng Đạo còn là một trong mười vị tướng tài ba của thế giới tại bảo tàng lịch sử hoàng gia Anh in trong cuốn “Các vị danh nhân của thế giới”.
Sau khi Trần Hưng Đạo mất, trong tâm thức người Việt, ông từ một nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc đã hiển thánh, trở thành một vị nhân thần tối linh.
Trải qua hơn 700 năm, truyền thuyết và nghi lễ, lễ hội thờ phụng Đức Thánh Trần đã hình thành khắp nơi trên đất Việt, tín ngưỡng Đức Thánh Trần đã được trao truyền từ đời này sang đời khác, được cộng đồng trân trọng, bảo tồn; có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh người Việt.
Xung quanh Đức Thánh Trần được bao trùm không chỉ là các di sản văn hóa hiện hữu mà là cả một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đậm đặc, đa sắc màu.
Câu ca “Tháng Tám giỗ Cha, Tháng Ba giỗ Mẹ” từ lâu đã ăn sâu trong tâm thức người Việt. Cơ sở đầu tiên dẫn đến sự hội nhập, đan cài này là về loại hình cả hai đều là sự kết hợp giữa tín ngưỡng bản địa (thờ tổ tiên, người có công) với những ảnh hưởng của đạo giáo dân gian.
Ngoài ra, trong tâm thức dân gian người Việt, Đức Thánh Trần hay Thánh Mẫu Liễu Hạnh đều là các vị thần thánh được Ngọc Hoàng cử xuống trần gian để tiêu trừ ma tà, dịch bệnh, cứu giúp chúng sinh, bảo vệ giang sơn xã tắc.
Như vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần cùng có giá trị nhiều mặt về nhận thức thế giới và nhân sinh, về củng cố và tăng cường chủ nghĩa yêu nước, về văn hóa nghệ thuật thông qua tục nhập đồng các vị thánh, qua lễ hội và phong tục, qua kiến trúc và điêu khắc.
Đây cũng là nơi thờ của 3 vị tướng thời Trần: Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Trương Hán Siêu.
Điểm thứ ba trong hành trình tham quan Hành cung Vũ Lâm của quý khách là chùa Áng La, được xây trên một tòa sen khổng lồ, có kiến trúc hiện đại, vật liệu xây dựng chủ yếu là bằng đá nguyên khối và gỗ quý. Trước mặt chùa có núi hình Phượng Hoàng, đặc biệt phía sau có núi hình tượng Phật A Di Đà ngồi thiền hướng về phía Tây cho quốc thái dân an, che chở an lành cho người dân.
Trong kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, vua Trần đã cho lui binh về đây trong thời gian ngắn, với nền tảng là một triều đại rất sùng đạo Phật nên đã cho xây dựng ngôi chùa Khai Phúc này. Hiện nay doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã cho xây dựng lại trên nền móng cũ.
Thường thường vào đền chùa sẽ theo quy tắc vào phải ra trái là đi theo chiều tịnh tiến từ dương sang âm để làm tịnh tiến thiện căn. Quý khách sẽ làm lễ từ tượng thần khuyến thiện, ban thờ Đức Ông trước, vì Đức Ông chính là người trông coi ngôi chùa, sau đó đến chính điên Tam Bảo, Đức Thánh Hiền.
Vòng ngoài hai bên là bức tượng của 2 vị thần khuyến thiện và trừng ác. Đây cũng là nơi xuất gia tu hành đầu tiên của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thời gian vào khoảng tháng 7 năm Giáp Ngọ 1294, trước khi ngài lên Yên Tử lập ra Thiền phái Trúc Lâm, dòng Thiền mang đậm bản sắc Việt Nam.
Điểm tham quan thứ tư là Điện Thờ Mẫu (Tam Tòa Thánh Mẫu). Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ Đạo giáo, tín ngưỡng lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, che chở cho con người. Tín ngưỡng mà ở đó đã được giới tính hoá mang khuôn hình của người Mẹ.
Bên trái phía ngoài điện thờ Mẫu sẽ thấy 11 tấm bia đặt trên lưng rùa để ghi lại công lao to lớn của các anh hùng, tử sĩ đã có công lao lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, vì rùa là một loài động vật lưỡng cư nhịn ăn rất tốt, tượng trưng cho sự trường tồn, nên rùa hay được lựa chọn để cõng hạc và cõng bia.
Điểm tham quan cuối cùng thứ năm là đền thờ công đồng các tướng lĩnh triều Đinh năm xưa. Đây cũng là ngôi đền nhằm tưởng nhớ công lao to lớn cho sự hy sinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của các anh hùng tướng sĩ. Do xưa kia phương tiện đi lại chủ yếu của các tướng lĩnh là ngựa nên trong đền hai bên có ngựa đỏ và ngựa trắng, tượng trưng cho âm dương, màu đỏ là dương và màu trắng là âm.
Địa điểm tâm linh tại Tràng An – Hành Cung Vũ Lâm
Đền Suối Tiên – địa điểm tâm linh tại Tràng An
Qua hang Thánh Trượt đi thuyền khoảng 20 phút chúng ta sẽ đến đền Suối Tiên. Trên đường di chuyển nằm giữa dòng sông du khách có thể nhìn thấy ngọn núi giống như bông sen của nhà Phật được nhân dân đặt tên là Địa Linh, với ý nghĩa là linh khí đất trời hồn thiêng sông núi hội tụ tại nơi đây.
Nhìn từ xa ngọn núi giống như bông sen cách điệu hay giống như chiếc bút của vị thần khổng lồ và vách núi dựng đứng xếp thẳng hàng giống trang sách được mở ra để viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông thuở trước lưu danh những anh hùng lịch sử của dân tộc để thế hệ mai sau mãi tiếp bước và viết tiếp những dòng sử vẻ vang.
Gần đền có nhà tranh vách đất tái hiện lại cuộc sống của người Việt cổ, có cối xay lúa, nơm úp cá…vào dịp lễ hội đầu năm có dàn nhạc cụ ở đây biểu diễn. Ngôi đền này thờ Thánh Quý Minh Đại Vương và phu nhân của ông, ông là một vị tướng tài ba thời Hùng Vương thứ 18.
Theo truyền thuyết dân gian, Đức thánh Quý Minh Đại Vương là một trong ba anh em – ba vị tướng đã được phong Thánh (Đức thánh Tản Viên, Đức thánh Cao Sơn và Đức thánh Quý Minh), là người có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18). Ngài là một “thượng đẳng thần”, được các triều vua qua nhiều triều đại ban chiếu sắc phong, được nhân dân khắp nơi thờ phụng, trở thành “Thành hoàng làng” ở nhiều nơi, nổi tiếng là vị thần linh ứng khi dân gian cầu đảo.
Tương truyền rằng, vùng xung quanh nơi đây có nguồn nước rất trong và sạch, các cô tiên hay xuống đây tắm nên gọi là đền Suối Tiên.
Trước đây, khi đời sống người dân địa phương còn nhiều khó khăn, khu vực này là nơi thâm sơn cùng cốc, có rất nhiều thú dữ, người dân vào đây kiếm củi, săn thú rất lo sợ những con vật hung dữ này.
Khi đó, họ rất tin tưởng vào đức độ, sự hiển linh của vị thánh Quý Minh Đại Vương. Vua Đinh cho xây dựng ngôi đền này với mục đích nhằm mượn uy danh của Đức Thánh để trấn trạch 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Hoa Lư xưa.
Thực chất, ngôi đền cổ thờ ngài là ngôi đền trấn trạch phía Nam. Theo tâm linh của nhà Đinh, phía Đông là động Thiên Tôn, phía Bắc là đền Thánh Nguyễn Minh Không, phía Tây là chùa Bái Đính, phía Nam là đền Trần bên tuyến 1. Ngôi đền Suối Tiên được rước chân nhang từ đền Trần sang, phục dựng y hệt như đền Trần để tiện cho việc thờ cúng.
Đền Suối Tiên được xây dựng lại trên nền móng cũ, bằng 4 loại gỗ đinh, lim, sến, táu. Kiến trúc ngôi đền này mang dáng dấp hiện đại, lớn hơn đền Trần bên tuyến 1. Trong đền, tượng Thánh Quý Minh Đại Vương tay cầm bảo trượng giống như là thượng phương bảo kiếm, khăn đai mũ áo chỉnh tề tượng trưng cho một bậc chính nhân quân tử, văn võ toàn tài.
Bên cạnh ông là phu nhân, tay cầm quạt nhưng quạt đã khép tượng trưng cho bậc tiên tri, bà là người quân sư, cũng như giúp việc cho chồng rất nhiều. Hai bên thờ các vị quan văn, quan võ. Có đặt 2 bức tượng ngựa trắng và đỏ tượng trưng cho yếu tố âm và dương.
Trong đền còn có bức sắc phong Thánh Quý Minh Đại Vương năm 1783 – Triều vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng 44.
Hàng năm, vào ngày 18/3 âm lịch, lễ hội truyền thống Tràng An (Thánh Quý Minh Đại Vương) được tổ chức tại đền Trần (Nội Lâm), đền Suối Tiên. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Đức Thánh Quý Minh Đại Vương – người đã có công trong sự nghiệp bảo vệ và gìn giữ nước nhà, đồng thời cũng là dịp để cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Lễ hội diễn ra trong 2 ngày với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương, rước kiệu và rước chân nhang từ đền Trần về đền Suối Tiên; Lễ rước nước và nghi lễ dâng hương tại đền Suối Tiên, Hành Cung Vũ Lâm; Lễ hô thần nhập tượng tại đền Suối Tiên…
Cùng với vẻ đẹp của địa thế quần thể danh thắng Tràng An với sự hấp dẫn ở hệ thống hang động, hệ thống thung nước liên hoàn, tạo thành một vòng tròn khép kín, lễ hội truyền thống Tràng An (Thánh Quý Minh Đại Vương) sẽ góp thêm một nét đẹp văn hóa, tạo sự hấp dẫn trong chuỗi hành trình du lịch của du khách khi đến với quần thể danh thắng Tràng An.
Địa điểm tâm linh tại Tràng An – Đền Suối Tiên
__
Ngày 17/8, KDL sinh thái Tràng An sẽ chính thức khai trương dịch vụ thuyền Kayak. Như vậy, bên cạnh dịch vụ thuyền truyền thống, giờ đây khách du lịch đã có thêm lựa chọn để trải nghiệm cảnh đẹp tại Tràng An. |
__
Du khách có thể tham khảo thêm các thông tin tại:
Website chính thức Di sản Tràng An: https://disantrangan.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/disantrangan.vn
Chia sẻ những bức hình đã chụp tại: https://www.facebook.com/groups/checkintrangan