Lễ hội Tràng An Ninh Bình
Lễ hội Tràng An là gì? Lễ hội Tràng An là chuỗi các hoạt động văn hóa kết hợp với du lịch diễn ra vào những ngày giữa tháng 3 (âm lịch) tại quần thể Di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình. Chính hội là ngày 18/3 (âm lịch) gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng, sùng bái thiên nhiên, và tôn vinh các vị thần 4 phương (Đông-Tây-Nam-Bắc): thần Thiên Tôn, thần Quý Minh, thần Cao Sơn, thần Khổng Lồ trấn trạch Hoa Lư tứ trấn.
Bên cạnh đó, đây cũng là dịp người dân tỏ lòng biết ơn với tướng lĩnh của vương triều Đinh đóng quân ở Tràng An và các vị vua đầu nhà Trần đã lập ra Hành cung Vũ Lâm nơi đây. Điểm độc đáo của Lễ hội Tràng An là các nghi lễ rước rồng, rước nước được diễn ra trên sông, đi qua các di tích, hang động xuyên thủy, cảnh đẹp… của rừng núi, sông nước KDL sinh thái Tràng An Ninh Bình.
- Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Ninh Bình
Lễ hội Tràng An 2019
Lễ hội Tràng An 2019 có chủ đề: “Tinh hoa hội tụ trên Kinh đô đá” đã tái hiện lịch sử Việt Nam qua các triều đại vua Đinh, vua Lê, vua Lý và vua Trần tại mảnh đất Cố đô, nơi làm căn cứ địa chống giặc ngoại xâm với thành là núi, đường là sông, cung điện là hang động.
Phần nghi lễ đã diễn ra Lễ rước nước long trọng, trang nghiêm, trên sông Sào Khê với nhiều hoạt động đặc sắc như: múa rồng, rước kiệu bằng thuyền.
Cả đoàn thuyền hàng trăm chiếc nối nhau di chuyển qua các hang xuyên thủy, hai bên hang lấp lánh ánh bạc bởi nhũ đá đẹp như: Hang Lấm, hang Vạng, hang Đại. Sau đó, các đại biểu, đông đảo nhân dân, du khách đến đền Suối Tiên, dâng hương Thánh Quý Minh Đại Vương, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Hành trình như sau: Bến thuyền trung tâm >> Hang Lấm >> đền Cao Sơn >> hang Vạng >> Hành Cung Vũ Lâm >> hang Đại >> núi Địa Linh >> Lấy nước Lễ >> đền Suối Tiên.
Trong tiếng trống dồn vang khai hội, tiếng chiêng dập dìu mênh mang một vùng sông nước, Lễ hội của vùng đất được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn – Tràng An còn tái hiện chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam qua các triều đại Đinh – tiền Lê – Lý và thời đại nhà Trần tại kinh đô đá Hoa Lư.
Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như: Biểu diễn ca trù, hát chèo, hát then, ném còn, chơi đu của đồng bào dân tộc Tày (Hà Giang).
Biểu diễn đàn đá, cồng chiêng của các tỉnh Hòa Bình, Bắc Cạn, thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch thập phương tham dự và hội tụ những tinh hoa ở vùng Vạn thế danh Hoa Lư, nghìn năm linh khí biến thành đất thiêng.
Hoạt động rước nước diễn ra vào ngày thứ 2 với nghi lễ lấy nước thánh trên sông, rước bằng kiệu băng qua 3 km đường núi đến đền Trần hành lễ. (Hành trình như sau: Bến thuyền trung tâm >> Ngã 3 đền Trình >> Cổng Tam Quan >> đền Trần)
Lễ hội Tràng An diễn ra từ ngày 21 đến 22/4/2019. Lễ hội Tràng An Ninh Bình thường diễn ra sau 2,5 tháng so với lễ hội chùa Bái Đính.
Lễ hội Tràng An 2020
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Lễ hội Tràng An 2020 cũng như nhiều lễ hội đầu năm khác của Việt Nam đã không thể tổ chức.
Lễ hội Tràng An 2021
Trước tình hình dịch Covid 19 vẫn diễn biến phức tạp, Lễ hội Tràng An 2021 vẫn còn đang bỏ ngỏ về việc có tổ chức hay không?
Ý nghĩa lễ hội
Hơn 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử đã được phát hiện ở khu vực Quần thể danh thắng Tràng An đã chứng minh được rằng: Có hoạt động của một nền văn hóa người tiền sử cư trú ở Tràng An liên tục, kéo dài tới 30.000 năm.
Và ở thế kỷ 10, Tràng An đã được người Việt xây dựng kinh đô Hoa Lư. Lấy thành là núi, đường là sông, cung điện là hang động biến nơi đây thành cái nôi phục hưng văn hóa, làm tiền đề hun đúc nên nền văn minh Đại Việt nở rộ ở Thăng Long- Hà Nội.
Trải qua hàng chục nghìn năm khai thác nguồn thức ăn và sống dựa vào sự che chở của núi rừng, loài người ở Tràng An đã chứng kiến nhiều biến đổi về tự nhiên, những hiện tượng lạ chưa thể giải thích, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác
Sau qua bao thời gian được chắt lọc, thiêng hóa, thánh hóa và được thờ theo tín ngưỡng thờ thần đã xuất hiện những truyền thuyết về các vị thần núi hóa thân thành những vị tướng giúp dân giữ nước.
Đặc biệt là các truyền thuyết về Thần Cao Sơn tìm ra cây báng giúp dân khi thiếu đói.
Thần Khổng Lồ tạo ra sông ra núi, sau này hóa thành thần y, đại sư – thánh Nguyễn Minh Không gây dựng vườn thuốc sống Sinh Dược chữa bệnh cứu người, gom đồng đúc chuông dựng nhiều chùa thờ phật, khi tu thiền đắc đạo có thể đi mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, cho cả kho đồng nước Tống vào túi đem về đúc tứ đại khí, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh cho Vua Lý Thần Tông.
Thần Thiên Tôn diệt trừ yêu ma, tà đạo từ Gián Khẩu tới núi Cánh Diều; thần Quý Minh trấn trạch vùng núi Tràng An, giúp dân dựng nhà, đào hồ.
Các vị vua với Lễ hội
Đinh Tiên Hoàng Đế khi xây dựng kinh đô Hoa Lư đã cho lập ra những ngôi đền để thờ các vị thần Hoa Lư tứ trấn như đền Trần ở Tràng An thờ thần Quý Minh trấn giữ ngõ phía nam, đền thờ thần Cao Sơn ở cửa ngõ phía tây, đền thờ thần Thiên Tôn ở cửa ngõ phía đông đường vào cố đô Hoa Lư.
Trải qua các thời kỳ, số lượng đền thờ các vị thần trên đã tăng lên rất nhiều và lan tỏa khắp tỉnh Ninh Bình. Lễ hội Tràng An xuất phát từ lễ hội đền Trần (nơi được Vua Đinh Tiên Hoàng khởi dựng, Vua Trần Thái Tông mở rộng) sau được mở rộng không gian tới hầu hết các di tích trong vùng lõi di sản Tràng An.
Thông qua tổ chức Lễ hội cũng khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
__
Du khách có thể tham khảo thêm các thông tin tại:
Website chính thức của Di sản Tràng An: https://disantrangan.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/disantrangan.vn
Chia sẻ những bức hình đã chụp tại: https://www.facebook.com/groups/checkintrangan