Chùa Cầu Hội An
Gắn liền với phố cổ từ cách đây hàng mấy thế kỷ, chùa Cầu là biểu tượng độc đáo của cảng thị không thể tách rời. Chùa Cầu Hội An mang ý nghĩa văn hóa lớn, được vinh dự xuất hiện trên tờ tiền polymer 20.000 VNĐ với những điểm xứng đáng.
Bài viết dưới đây cung cấp một số thông tin về chùa Cầu ở Hội An, hy vọng sẽ hữu ích cho bạn trong chuyến khám phá Quảng Nam.
Chùa Cầu Hội An ở đâu?
Nằm nay cửa ngõ dẫn vào trung tâm phố cổ Hội An, chùa Cầu Hội An nằm ở vị trí tiếp giáp giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Công trình bắc qua một con lạch nhỏ thông ra sông Hoài.
Hướng dẫn di chuyển đến chùa Cầu Hội An
Hội An cách Đà Nẵng khoảng chừng 30km về phía Nam. Bạn có thể tham khảo một số tuyến đường đến chùa Cầu sau:
- Tuyến 1: Đi theo đường Trường Sa qua Võ Nguyên Giáp/ Lạc Long Quân – TP. Hội An.
- Tuyến 2: Võ Chí Công qua Lạc Long Quân – Võ Nguyên Giáp – TP. Hội An.
- Tuyến 3: Từ Cầu Vượt Ngã Ba Huế – đi thẳng về hướng Quảng Nam – đến đường Vĩnh Điện – rẽ trái vào Huỳnh Thúc Kháng – đi thẳng là vào phố cổ Hội An.
Thuyết minh về chùa Cầu Hội An
Là một địa danh ở Hội An, Quảng Nam nhưng Chùa Cầu lại được xây dựng bởi các thương gia người Nhật vào đầu thế kỷ 17.
Thời điểm đó, Hội An vẫn còn là một cảng thị sầm suất, nơi giao thương của các tàu buôn lớn từ các nước châu Á. Những doanh nhân người Nhật đã có dịp ở lại đây, làm việc, sinh sống và cho xây dựng nên Chùa Cầu.
Về mặt ý nghĩa, nó biểu trưng cho hình ảnh của một thanh kiếm, đâm xuống lưng con quái vật Namazu (theo truyền thuyết của người Nhật), để có thể chế ngự nó, làm cho cuộc sống, việc làm ăn được thuận lợi.
Năm 1653, ở sườn cầu phía bắc được dựng thêm phần chùa, làm cho mặt bằng công trình có hình chữ T; nên cây cầu được gọi là Chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cầu là “Lai Viễn Kiều”, với ý nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”. Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817.
Chùa Cầu đã trải qua nhiều lần trùng tu, vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986, nhiều nét kiến trúc Nhật Bản ban đầu đã mai một.
Kiến trúc chùa Cầu Hội An có gì đặc biệt?
Chùa Cầu dài khoảng 18 m, rộng khoảng 3 m; có kiến trúc pha trộn của Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam. Cấu trúc cầu theo mặt bằng gồm 3 phần chính là 2 phần đầu cầu và phần thân cầu ở giữa. Mỗi đầu cầu hai phía được xây gạch bao gồm 3 nhịp, phần cầu ở giữa có 5 nhịp đặt trên các trụ gạch cắm xuống nước. Tất cả hệ khung của công trình làm bằng gỗ, có 3 hệ mái tương ứng với 3 phần cầu.
Trên một số vì kèo, hoành mái có chạm nổi chữ Hán. Ngoài ra trong Chùa Cầu còn lưu giữ được nhiều tấm bia đá ghi lại lịch sử của công trình và Hội An
Mái công trình lợp ngói âm dương, với những chi tiết trang trí tinh xảo trên bờ nóc, bờ chảy. Đặc biệt là có những đồ gốm men lam được khảm trên mái.
Hai đầu cầu có đặt tượng tượng khỉ – linh hầu (phải) và chó – thiên cẩu (trái). Đây được coi là đôi linh vật canh giữ, trấn yểm Chùa Cầu, được thờ cúng trang trọng.
Không rõ xuất xứ của đôi linh vật này. Có giả thuyết cho rằng khỉ và chó thể hiện thời gian xây dựng cầu, trong khoảng từ năm con khỉ đến năm con chó.
Chùa Cầu Hội An thờ vị thần nào?
Chùa Cầu Hội An thờ ai?
Chùa nằm giữa cầu là lối vào. Gọi là Chùa nhưng thực tế ở đây không thờ Phật mà thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ – một vị thần chuyên trị phong ba, lũ lụt, bảo hộ xứ sở, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho con người theo tín ngưỡng Trung Hoa.
Bên trên lối vào gian thờ có tấm biển đề 3 chữ “Lai Viễn Kiều”. Dưới tấm biển có hai mắt cửa, một chi tiết kiến trúc đậm nét của Hội An.
Chùa Cầu Hội An tiếng Anh là gì?
Để thuyết minh Chùa Cầu Hội An cho du khách nước ngoài, các hướng dẫn viên thường sử dụng “Chua Cau in Hoi An” hoặc “The Japanese Bridge”.
Bởi đây là một công trình lịch sử tuyệt đẹp, là nơi giao lưu văn hóa, kiến trúc giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nó được xây dựng vào thế kỷ 17 với sự đóng góp của các thương nhân người Nhật. Vì vậy, Chùa Cầu còn được gọi là “Cầu Nhật Bản”.
Giá vé tham quan chùa Cầu Hội An và giờ mở cửa
Giá vé tham quan
Chùa Cầu cũng là một trong số 21 điểm bắt buộc phải tham quan mua vé, khi mua vé bạn sẽ được lựa chọn 4 địa điểm mà mình yêu thích nhất, giá vé là 80.000đ/ lượt/ khách.
Thời gian mở cửa
Chùa Cầu nằm trong khu vực phố đi bộ nên nó cũng sẽ có những quy định riêng, thời gian mở cửa phố cổ là từ 7h sáng đến 23h đêm, còn riêng khu vực phố đi bộ chỉ có 2 khung giờ chính.
- Buổi sáng từ 9h00 – 11h00
- Buổi chiều từ 15h00 – 22h00
6 lý do không nên bỏ lỡ chùa Cầu Hội An
Chùa Cầu là một trong những di tích cổ kính của Hội An
Tồn tại gần những 400 năm, Chùa Cầu Hội An giống như một nhân chứng sống, đã từng chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm, biến cố trong lịch sử của đô thị cổ Hội An.
Chùa Cầu cùng với nhà cổ Tấn Ký, nhà cổ Phùng Hưng hay những hội quán đã tạo nên một hệ thống các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đáng bảo tồn và gìn giữ.
Khi ghé thăm Hội An, bạn vẫn sẽ thấy một Chùa Cầu cổ kính, trầm mặc giữa phồn hoa của phố Hội. Dường như những tinh túy của những cái cổ xưa, kết hợp cùng với cái hiện đại của ngày nay, đã mang đến cho Chùa Cầu một vẻ đẹp hiếm thấy.
Chùa Cầu Hội An – nơi giao thoa giữa các nền văn hóa
Ít có nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam có sự pha trộn văn hóa đặc sắc như Hội An. Ngoài những hội quán, đền miếu mang đậm dấu tích của người Hoa thì Hội An cho đến nay vẫn còn lưu giữ lại những ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp và nhà cổ của người Việt xưa. Bên cạnh đó, Chùa Cầu cũng là minh chứng cho một thời giao lưu về kiến trúc Nhật – Hoa – Việt.
Tờ 20 nghìn có in hình ảnh của Chùa Cầu
Bạn cũng biết đó, chỉ những địa danh có một ý nghĩa nào đó thì mới được lựa chọn để in trên tờ tiền của Việt Nam, và Chùa Cầu cũng là một trong số đó. Tờ tiền 20 nghìn in hình Chùa Cầu đã được phát hành vào năm 2006 và sử dụng đến bây giờ.
Chùa Cầu – biểu tượng của phố cổ Hội An
Thường xuyên được nhắc đến trong các cuộc bình chọn của du khách quốc tế, Hội An đã chứng minh được vẻ ấn tượng có 1 không 2 của mình, trở thành điểm đến hấp dẫn và nổi tiếng trên toàn thế giới. Và hình ảnh Chùa Cầu, một lần nữa đã vươn ra thế giới, nằm trong sự tìm kiếm của du khách quốc tế.
Chùa Cầu Hội An – Địa điểm sống ảo cho giới trẻ
Là một cây cầu có giá trị lịch sử hàng trăm năm, cộng thêm với những kiến trúc độc đáo, chùa Cầu trở thành điểm đến must have khi ghé thăm Hội An. Khi check in Chùa Cầu, bạn hoàn toàn có thể tự set – up kiểu cách theo như mong muốn của mình. Đứng ở Chùa Cầu, dù là mặc đồ bánh bèo, nhẹ nhàng hay cool ngầu, cá tính đều được cả.
Tham quan chùa Cầu Hội An nên ăn gì?
Ẩm thực phố Hội luôn có một sức hút khó cưỡng đối với du khách.
Cao lầu, mỳ Quảng, bánh xèo, cơm gà, bánh mì Phượng là những món mà bạn không thể bỏ lỡ. Sau đó, tráng miệng bằng một ly chè thập cẩm mát lạnh tại những gánh hàng rong vỉa hè.
Những lưu ý khi ghé thăm chùa Cầu Hội An
- Mặc trang phục kín kẽ, không quá hở
- Tránh làm ồn, giỡn hớt vì đây vốn là nơi tôn nghiêm
Những ngôi chùa khác ở Hội An bạn nên ghé thăm
- Chùa Ông
Địa chỉ: 24 Trần Phú - Chùa Pháp Bảo:
Địa chỉ: Số 7 Hai Bà Trưng - Chùa Bà Mụ
Địa chỉ: 675 Hai Bà Trưng - Chùa Hải Tạng Cù Lao Chàm
Địa chỉ: Đảo Cù Lao Chàm, Hội An
Xem thêm:
Hội An, Quảng Nam: Review 10+ điểm du lịch, check in, giá vé, đặc sản, thời tiết
Cẩm nang du lịch Hội An – “Cổ trấn” nhiều hoài niệm
__
Du khách có thể tham khảo thêm các thông tin tại:
Website chính thức của Di sản Tràng An: https://disantrangan.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/disantrangan.vn
Chia sẻ những bức hình đã chụp tại: https://www.facebook.com/groups/checkintrangan